Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Xây dựng văn hóa nông thôn mới gắn với hương ước

15/09/2021 | 16:19

Hương ước, quy ước là một “công cụ” điều chỉnh hành vi ứng xử, xây dựng chuẩn mực văn hóa trong cộng đồng làng xã. Đặc biệt, những nội dung của hương ước, quy ước được lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đã và đang góp phần phát huy tinh thần đoàn kết và hình thành những giá trị văn hóa mới trong cộng đồng làng xã.

Nhờ sự chung tay, đoàn kết của bà con mà các thiết chế văn hóa ở thôn Bót, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc) đã được xây dựng khang trang, rộng rãi, đạt chuẩn tiêu chí văn hóa nông thôn mới. Ngồi trong nhà sàn văn hóa, ông Phạm Văn Đạt, bí thư chi bộ, trưởng thôn Bót giới thiệu với chúng tôi bản hương ước thôn. Hương ước của thôn được UBND xã thông qua với 9 chương, 33 điều. Phần lớn nội dung hương ước đề cao văn hóa truyền thống, tính chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, coi trọng sự gắn kết gia đình, dòng họ, làng xã của người dân. Ông Đạt nhấn mạnh, nội dung được thôn và Nhân dân chú trọng đưa vào hương ước và thực hiện đó là trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường, gắn với xây dựng môi trường văn hóa.

Bên cạnh những quy định có tính then chốt, năm 2018 bản hương ước của thôn đã được bổ sung một số nội dung phù hợp với tình hình địa phương. Cụ thể như, vận động người dân đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng; tích cực tham gia tuyên truyền và đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình công cộng, điểm vui chơi... Đến nay, đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, đời sống của người dân được nâng cao, thôn có 95% hộ gia đình văn hóa. Những kết quả đạt được đã góp phần đưa thôn Bót về đích nông thôn mới năm 2020. Ông Phạm Văn Đạt chia sẻ, để xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn văn hóa mà vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống, người dân trong thôn đã thống nhất mỗi hộ đóng góp 1 cây xoan. Nhà sàn văn hóa được đưa vào sử dụng là kết quả của tình đoàn kết, đồng lòng của người dân nơi đây. Theo đánh giá của ông Đặng Sỹ Thu, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn, trên cơ sở kế thừa, hương ước, quy ước được cộng đồng dân cư chọn lọc, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và phong tục, tập quán của người dân, bản hương ước của thôn Bót đã thực sự trở thành một “công cụ” hỗ trợ đắc lực cho thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cũng như phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương.

Ở huyện Thiệu Hóa, chúng tôi tìm gặp bà Trần Thị Lự (thôn 4, xã Thiệu Trung) - người được dân địa phương nhắc đến bằng sự yêu mến và kính trọng. Bởi bà Lự không chỉ nuôi dạy con, cháu học hành giỏi giang và thành đạt; thường xuyên giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn trong thôn; đi đầu trong đóng góp các hoạt động, phong trào của địa phương...; giờ đây khi đã tuổi cao, sức yếu, bà Lự vẫn tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Bà đã xây dựng khu vui chơi trong thôn, trang bị máy tập thể dục giúp cho người dân có không gian thư giãn, luyện tập thể dục, thể thao. Bà Trần Thị Lự chia sẻ, còn sức khỏe thì tôi còn đóng góp xây dựng quê hương. Việc xây dựng môi trường văn hóa, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau là trách nhiệm của mỗi người dân, từ đó tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Những điều này được ghi cụ thể trong quy ước của địa phương.

Không chỉ xuất hiện những điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa, cơ sở vật chất của địa phương, xã Thiệu Trung còn được biết đến với nhiều câu chuyện về tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau trong hoạn nạn của người dân. Thời gian qua, chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, nhiều hộ dân trên địa bàn phải cách ly tại nhà. Đây là lúc tình làng nghĩa xóm được thể hiện rõ nhất. Nhiều hộ dân không phải cách ly đã mua đồ thiết yếu để hỗ trợ các hộ phải cách ly. Đặc biệt, ở đợt dịch thứ 4 này, lực lượng tuyến đầu đã căng mình ngày đêm để kiểm soát người ra vào địa phương, không để dịch bệnh lây lan. Nhiều hộ dân đã động viên tinh thần và hỗ trợ nhu yếu phẩm như nước, sữa, bánh cho lực lượng chức năng đang tham gia phòng, chống dịch. Có được những hành động tốt đẹp ấy là do người dân đã được bàn bạc, thống nhất và đưa vào hương ước, quy ước của địa phương. Ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết: Hình ảnh bà con trong thôn hỗ trợ nhau từng bó rau, hộp sữa, khẩu trang đã thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau của Nhân dân địa phương. Đây là truyền thống tốt đẹp của người dân nơi đây - điều đó được thể hiện trong quy ước, hương ước được tiếp nối từ bao đời nay. Đó cũng là tiền đề để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

Hiện nay, các phố, thôn, bản trên địa bàn tỉnh đều xây dựng hương ước, quy ước. Các hương ước được sửa đổi, bổ sung theo giai đoạn hoặc theo năm để phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều địa phương đã đưa hương ước vào cuộc sống, phát huy được vai trò là công cụ quản lý, điều chỉnh hành vi ứng xử trong cộng đồng dân cư. Từ đó tạo nên môi trường văn hóa nông thôn mới văn minh, hiện đại. Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng đường làng, ngõ xóm, xây dựng công trình công cộng, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế... được triển khai, phát triển sâu rộng tạo nên bộ mặt nông thôn thay đổi cả về chất và lượng. Đặc biệt, các hương ước đã góp phần hỗ trợ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×