Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Ứng dụng công nghệ trong hoạt động quảng bá du lịch

24/07/2023 | 12:03

Khi công nghệ đang cho thấy khả năng, vai trò đặc biệt quan trọng của nó trong nhiều lĩnh vực; thì du lịch càng phải đón đầu khả năng công nghệ để phát triển, nhất là tận dụng ưu thế của nó trong việc tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp điểm đến.

Thanh Hóa: Ứng dụng công nghệ trong hoạt động quảng bá du lịch - Ảnh 1.

Chỉ cần một cái nhấp chuột trên máy tính, du khách đã có thể khám phá toàn bộ Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Nói đến việc ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch, thì Di sản Thành Nhà Hồ có thể xem là một điển hình. Đây là một trong số rất ít trong hàng trăm di sản đã xây dựng được một website khá đẹp về hình thức, phong phú về nội dung. Đặc biệt, một điểm nhấn ấn tượng của website này là đã xây dựng được không gian “tham quan 360” vô cùng ấn tượng, hiện đại và bắt mắt. Chỉ cần một cái nhấp chuột trên màn hình máy tính, cả một không gian di sản rộng lớn, xanh mướt và tươi đẹp, đã hiện ra trước mắt du khách. Sau khi tìm hiểu toàn cảnh tòa thành và toàn bộ khu vực tòa thành tọa lạc, du khách có thể chọn tham quan thêm các điểm di tích nội thành, hay di tích phụ cận. Khi chọn bất kỳ điểm di tích nào được hiển thị trên màn hình, chẳng hạn cổng Nam, cổng Bắc, hào thành, tường thành... du khách sẽ ngay lập tức được chuyển không gian đến điểm di tích đó. Cùng với việc sử dụng chuột để di chuyển 360 độ để tham quan tất cả các góc, các cảnh...; du khách còn được nghe bài thuyết minh súc tích, dễ hiểu bằng giọng đọc khá chuẩn của thuyết minh viên. Có thể nói, việc vận dụng công nghệ hiện đại trong quảng bá hình ảnh, đang là cách giúp Thành Nhà Hồ đến gần hơn với du khách.

Quyết định số 1685/QĐ-TTg, ngày 5-12-2018 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đã nhấn mạnh: Việc ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong phát triển du lịch thông minh là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, cần sử dụng hiệu quả nguồn lực khoa học - công nghệ, thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản Nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp, cung cấp thông tin và giá trị trải nghiệm phục vụ khách du lịch. Từ sự định hướng trên, đồng thời xác định rõ vai trò quan trọng của công nghệ đối với sự phát triển ngành du lịch, trong vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch và nhất là phát triển du lịch thông minh.

Theo đó, công tác truyền thông trên nền tảng số được đẩy mạnh, chú trọng đến truyền thông tương tác, công nghệ thực tế ảo. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Thanh Hóa đã và đang hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch điểm đến quốc gia, thương hiệu điểm đến vùng và địa phương; thương hiệu sản phẩm du lịch; đồng thời đã định hướng cho doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch của riêng mình.

Cùng với việc thường xuyên tuyên truyền trên các kênh báo chí, truyền thông lớn; tuyên truyền tại các cảng hàng không lớn trong nước và trên các chuyến bay nội địa với những clip, phóng sự, trailer, các bài viết, hình ảnh với nội dung thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - hương sắc bốn mùa”; Thanh Hóa đã chú trọng tuyên truyền trên trang thông tin du lịch Thanh Hóa (http://thanhhoa.travel) và trên nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok. Đồng thời, hướng dẫn và vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia chia sẻ, giới thiệu các gói sản phẩm mới, sản phẩm kích cầu trên các trang facebook, youtube, twitter, zalo... tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, sâu rộng.

Đặc biệt, ngành du lịch đã tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch. Theo đó, đến năm 2022 đã triển khai việc số hóa và đưa vào sử dụng ứng dụng du lịch thông minh Smart Travel tại 8 khu, điểm du lịch gồm Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Am Tiên, Pù Luông, bản Mạ, thác Mây, đền Sòng, đền Cửa Đạt, nhằm hỗ trợ quảng bá, giúp khách du lịch tìm hiểu và trải nghiệm các điểm đến; triển khai thực hiện quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội facebook, tiktok.

Ngoài ra, đến nay toàn tỉnh đã triển khai số hóa được 71 khu, điểm du lịch và 25 cơ sở lưu trú du lịch lên phần mềm ứng dụng quản lý khai thác và cơ sở dữ liệu du lịch tỉnh Thanh Hóa (truy cập trực tuyến tại đường dẫn http://csdl.thanhhoa.travel). Đồng thời, đăng được 510 tin, bài ảnh quảng bá về du lịch Thanh Hóa trên website du lịch tỉnh Thanh Hóa (trực tuyến tại đường dẫn http://thanhhoa.travel). Thực hiện dự án xây dựng Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa; thực hiện Dự án duy trì hoạt động hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý các hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa. Hướng dẫn, tuyên truyền các doanh nghiệp du lịch ứng dụng nền tảng công nghệ số trong kinh doanh như triển khai trực tuyến các hoạt động marketing, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tư vấn, chăm sóc khách hàng trực tuyến...

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần khách quan nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ số trong du lịch nói chung, quảng bá du lịch Thanh Hóa nói riêng, vẫn còn những hạn chế. Chẳng hạn, nhiều chuyên trang như thanhhoa tourism.gov.vn, svhttdl.thanhhoa.gov.vn, vẫn chủ yếu là cung cấp thông tin, mà chưa có nhiều tiện ích mới, hữu dụng, thuận tiện hơn và hoàn toàn thiếu đi sự tương tác với du khách. Mặt khác, nếu cho rằng, ứng dụng công nghệ chỉ đơn giản là việc xây dựng một trang web quảng bá hình ảnh mà không “chăm sóc” hình ảnh, không đi sâu và làm thay đổi căn bản cách thức quản lý, vận hành nhằm mang lại lợi ích tối ưu từ đó, thì cũng chưa mang lại hiệu quả thực sự.

Là ngành kinh tế tổng hợp, do đó, thực hiện số hóa ngành du lịch đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều ngành, như văn hóa, an ninh, vận tải, y tế, thương mại... Như nhiều ý kiến của các chuyên gia công nghệ, thì để có thể số hóa dữ liệu phục vụ du lịch cần một nền tảng công nghệ mạnh và thống nhất; đồng thời, cần nhân lực và vật lực cao. Bên cạnh đó, việc số hóa dữ liệu du lịch không chỉ là tổng hợp và chuyển đổi các thông tin lên môi trường số; mà còn cần đổi mới trong cách thức quản lý để có thể sử dụng hệ thông tin số một cách hiệu quả. Đây là những điều, thiết nghĩ rất cần được các nhà quản lý, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đặt ra khi ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch nói chung, quảng bá và phát triển du lịch thông minh nói riêng.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×