Thanh Hóa: Thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống
14/12/2021 | 10:00Trong quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những nét văn hóa truyền thống như trang phục, trò chơi dân gian, chữ viết, các hoạt động văn hóa, lối sống... có nguy cơ mai một hoặc bị pha tạp. Để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, nhiều địa phương đã triển khai giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Điển hình như từ năm 2014, huyện Cẩm Thủy đã thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát khặp dân tộc Thái. Theo đó, hằng năm huyện tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương. Đây cũng là sân chơi giúp cho các đơn vị giao lưu, học tập, đúc rút kinh nghiệm để củng cố, nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở. Huyện Cẩm Thủy cũng khuyến khích các xã có đồng bào dân tộc Thái khôi phục các lễ hội truyền thống và đưa các loại hình dân ca, dân vũ vào chương trình hội diễn, như: hát xường, hát giao duyên, hát ru, hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng, ném còn, nhảy sạp và các trò chơi dân gian đánh mảng, đi cà kheo...
Còn huyện Thường Xuân lại phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh mở lớp tập huấn “Phục dựng, truyền dạy cách thức khặp giao duyên, khua luống, khèn bè, sáo ôi dân tộc Thái” cho học viên là những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu được tuyển chọn trên địa bàn. Các học viên được truyền dạy những kiến thức về điệu múa dân gian dân tộc Thái, kỹ năng gõ chày tạo âm thanh cũng như tìm hiểu sâu hơn về một số điệu dân ca, dân vũ dân tộc Thái, như: Khặp giao duyên, khèn bè, sáo ôi... Cùng với đó, các học viên được trang bị kỹ năng quảng bá du lịch, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái.
Đối với huyện Ngọc Lặc thì hàng năm tổ chức các lớp tập huấn nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng; tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều tỉnh phía Bắc có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống; xây dựng câu lạc bộ (CLB) cồng, chiêng; khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống và các trò chơi, trò diễn truyền thống... Đặc biệt, huyện Ngọc Lặc đã thành lập CLB văn hóa dân gian Mường với gần 100 hội viên là những nghệ nhân, diễn viên tâm huyết với hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian. CLB phát động hội viên sưu tầm, dàn dựng, biểu diễn, ghi âm, ghi hình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mường... Qua đó, giúp những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường được lưu giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Được biết, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện 12 dự án bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó, có một số dự án tiêu biểu như: Bảo tồn làng Mường truyền thống tại làng Lương Ngọc, xã Cẩm Ngọc, Lễ tục làm vía kéo si - dân tộc Mường (Cẩm Thủy); Lễ hội Xên Cung của đồng bào Khơ Mú (Mường Lát); kiểm kê khoa học Mo Mường Thanh Hóa; bảo tồn hát ru dân tộc Mường Thanh Hóa; bảo tồn hát khặp của người Thái... Bên cạnh đó, nhiều lễ hội được khôi phục, gìn giữ và phát huy, điển hình như: Lễ hội Mường Xia (Quan Sơn); Lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), Lễ hội Mường Khô, Căm Mương (Bá Thước); Lễ hội Đình Thi (Như Xuân); Lễ hội Sết Boọc Mạy (Như Thanh)... các lễ hội sau khi được phục dựng đã tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho đồng bào các DTTS.