Thanh Hóa: Tạo xung lực mới cho du lịch chuyển mình
26/04/2021 | 09:59Du lịch biển ở Thanh Hóa trở lại đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đã được kiểm soát. Thời gian trầm lắng do dịch bệnh vừa qua chính là thời điểm ngành du lịch nhìn nhận, đánh giá lại năng lực phục vụ cũng như dự báo nhu cầu để có sự đầu tư phù hợp.
Tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định, dù nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng Việt Nam vẫn vững vàng và sẵn sàng cho cả những thách thức và cơ hội phía trước. Trong khi chưa thể mở cửa đón khách quốc tế, thì đây là dịp để du khách trong nước khám phá thêm những nét đẹp về thiên nhiên, văn hóa của Tổ quốc mình; bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; thưởng thức những dịch vụ mà trong điều kiện bình thường phần nhiều là người có thu nhập cao, khách ngoại quốc mới có điều kiện chi trả.
Tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, với sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn, hạ tầng du lịch đã không ngừng phát triển. Nhiều sản phẩm du lịch mới, đẳng cấp quốc tế ra đời, và ngay trong mùa du lịch này sẽ là cơ hội trải nghiệm cho du khách trong nước, trong tỉnh với mức giá phù hợp.
Cho ý kiến vào Chương trình Phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các sở, ngành liên quan của tỉnh phải nghiên cứu đưa ra bằng được các giải pháp cụ thể để phát triển du lịch trong thời gian tới. Để phát triển du lịch một cách bền vững, tỉnh Thanh Hóa phải xác định rõ theo hướng doanh nghiệp là trung tâm, người dân là chủ thể, Nhà nước là “bà đỡ” hỗ trợ để tạo động lực cho du lịch phát triển. Các cấp ủy, chính quyền và người dân phải nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành dịch vụ tổng hợp liên ngành, liên vùng, theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, một đại sứ thiện chí để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ngành du lịch cần triển khai những giải pháp quyết liệt để thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các khâu một cách đồng bộ, hướng tới “một nền du lịch điện thoại thông minh”. Mọi việc từ thị thực, đặt chỗ, mua vé, thanh toán... tới phiên dịch đều có thể thông qua điện thoại di động để hỗ trợ du khách một cách thuận tiện.
Vì vậy, cùng với nâng cấp hạ tầng, tăng cường sản phẩm, phải chú trọng chuyển đổi từ du lịch theo cách thức truyền thống sang du lịch dựa vào nền tảng công nghệ số.
Và rõ ràng, dù có là công nghệ nào đi nữa, thì trên hết và mãi mãi vẫn phải tiếp tục chú trọng và chú trọng hơn nữa tới việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn hóa. Cùng với đó là tăng cường kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, nhằm mang lại xung lực mới cho ngành du lịch. Những vấn đề còn thiếu và yếu như phát triển du lịch trải nghiệm chưa được quan tâm; xúc tiến du lịch còn nhỏ lẻ, chưa kết nối được nhiều với các đơn vị làm du lịch nổi tiếng; việc gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các công ty lữ hành và các hãng vận tải lớn triển khai chưa quy mô; việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch còn thiếu kiên trì... cần phải được khắc phục nhanh, đồng bộ, có sự tham gia của đầy đủ các bên.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh, vì vậy sẽ có thêm những nguồn lực được dành để đầu tư. Nhưng trên hết vẫn phải là nội lực ngành du lịch với khát khao đổi mới, vươn lên, mới là gốc rễ để du lịch chuyển mình.