Thanh Hóa: Phục dựng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số
06/04/2022 | 08:47Những năm gần đây, bằng việc tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã và đang có nhiều đóng góp cho công tác phục dựng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Thanh Hóa.
Bản Năng Cát, xã Trí Nang hiện là điểm đến hấp dẫn khách du lịch của huyện Lang Chánh. Bên cạnh những cảnh đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, những mái nhà sàn đặc trưng, thác Ma Hao... nơi đây còn sở hữu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, khèn bè, trống chiêng, khua luống, hát giao duyên, múa xòe, múa Cá Sa... là những thể loại giàu tính nghệ thuật và đặc sắc. Hiện nay, các thể loại này đã bị mai một, thế hệ trẻ thường không muốn học tập, tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống. Đây là thách thức không nhỏ cho đội ngũ những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống hiện nay.
Trước thực trạng đó, qua quá trình khảo sát thực tế và xuất phát từ nhu cầu tại địa phương, việc Trung tâm Văn hóa tỉnh và huyện Lang Chánh phối hợp tổ chức lớp tập huấn “Phục dựng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái” phục vụ khách du lịch thác Ma Hao tại bản Năng Cát, xã Trí Nang là rất cần thiết và mang nhiều ý nghĩa.
Đây là dịp để các nghệ nhân dân gian, các “hạt nhân” văn hóa, văn nghệ tiêu biểu của địa phương được giao lưu, tiếp thu những kiến thức, kỹ năng trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó tiếp tục truyền đạt lại cho thế hệ trẻ để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Cũng từ thực tế và đặc thù của các địa phương, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng đã tổ chức các lớp tập huấn “Phục dựng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái” phục vụ khách du lịch tại các địa phương có bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái và có tiềm năng phát triển du lịch, như các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Như Thanh... Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, các lớp tập huấn còn trang bị cho các nghệ nhân dân gian, những hạt nhân văn hóa tiêu biểu của các địa phương những kỹ năng xây dựng các chương trình, tiết mục văn nghệ đặc sắc, phục dựng những phong tục, tập quán đặc sắc, nghệ thuật ẩm thực mang đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, địa phương mình, xem đó như là một sản phẩm nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Đối với các địa phương có đặc trưng về nghề dệt thổ cẩm, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng đã xây dựng chương trình tổ chức các lớp tập huấn bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, trang phục của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Thổ, Dao.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: Việc duy trì tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng phục dựng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS hàng năm trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng và cấp thiết. Những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đều là những tài nguyên quý giá để phát triển du lịch. Ở góc độ bảo tồn, các lớp tập huấn sẽ giúp cán bộ quản lý, những hạt nhân văn hóa, văn nghệ và các nghệ nhân dân gian của các địa phương phục dựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Nhờ có sự kết nối này, Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với các địa phương xây dựng các chương trình văn hóa – văn nghệ đặc sắc để tham gia các liên hoan, hội diễn toàn quốc, các chương trình quảng bá văn hóa, du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Tại liên hoan toàn quốc trong 2 năm gần đây, đoàn nghệ nhân dân gian của tỉnh Thanh Hóa luôn giành giải cao với những tiết mục, phần thi đặc sắc, ấn tượng. Đây chính là giải pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS xứ Thanh.