Thanh Hóa: Nhiều giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
10/01/2022 | 08:49Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc miền núi.
Đặc biệt tỉnh đã triển khai thực hiện 12 dự án bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS); trong đó, có một số dự án tiêu biểu như: Bảo tồn làng Mường truyền thống tại làng Lương Ngọc, xã Cẩm Ngọc và lễ tục làm vía kéo si - dân tộc Mường (Cẩm Thủy); múa Pồn Pôông (Ngọc Lặc); lễ hội Xên Cung của đồng bào Khơ Mú (Mường Lát); kiểm kê khoa học Mo Mường Thanh Hóa; bảo tồn hát ru dân tộc Mường Thanh Hóa; bảo tồn hát khặp của người Thái, Mường... Bên cạnh đó, nhiều lễ hội được khôi phục, gìn giữ và phát huy. Điển hình như: lễ hội Mường Xia (Quan Sơn); lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội Mường Khô, Căm Mương (Bá Thước); lễ hội Đình Thi (Như Xuân); lễ hội Séc Boọc Mạy (Như Thanh)... các lễ hội sau khi được phục dựng đã duy trì và phát huy tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho đồng bào các DTTS.
Từ năm 1996 đến nay, huyện Mường Lát đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục dựng lại lễ hội xên bản; khảo sát, tìm tư liệu về đền Tư Mã Hai Đào. Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với hoạt động văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, chú trọng bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể, có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, cá nhân, gia đình có công sức bảo tồn, gìn giữ tài sản văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu, khôi phục tiếng nói, chữ viết, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống; xây dựng các đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm và tiến tới hướng dẫn con em các dân tộc biết sử dụng các nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Huyện Thường Xuân đã khôi phục được nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, như lễ hội Nàng Han, lễ hội Dâng trâu tế trời (Xớ Pha), lễ hội rước Thành Hoàng làng (xã Thọ Thanh), nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục... Huyện Như Thanh đã tập trung phục dựng các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Đến nay, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào Thái, xã Xuân Phúc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các lễ hội dân gian truyền thống cũng dần được khôi phục và phục dựng lại, như: lễ Séc Boọc Mạy của người Thái ở xã Xuân Thọ; lễ hội cúng cơm mới của người Mường, xã Phượng Nghi; lễ hội rước bóng, xã Xuân Du và các lễ hội tại các di tích trên địa bàn huyện...
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thời gian tới ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ ngân sách Trung ương, giai đoạn 2021-2025 đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích đã được phê duyệt quy hoạch, đồng thời sớm triển khai kế hoạch xây dựng hồ sơ hang Con Moong, xã Thành Yên (Thạch Thành) đề cử UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới...