Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa
21/02/2024 | 10:18Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến vùng đất trầm tích các giá trị văn hóa tốt đẹp, mà nổi bật nhất là nền văn hóa đồ đồng với “Trống đồng Đông Sơn” đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa Việt Nam phát triển phong phú, rực rỡ. Đây cũng là một trong những “cái nôi” chứa đựng giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng với những hình thức đặc sắc về huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa, ẩm thực... Nơi sản sinh ra những làn điệu dân ca Đông Anh, hò Sông Mã, điệu khặp của người Thái, hát xường của người Mường, đồng hành cùng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”...
Ngọc Lặc là một trong những địa phương có số lượng di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia nhiều nhất trong cả tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã có 4 DSVHPVT quốc gia, đó là: Lễ hội Pồn Pôông, “Sắc bùa” (hay còn gọi là Phường chúc), nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên, nghi lễ nhảng chập đáo (Tết nhảy) của người Dao quần chẹt... Trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền huyện Ngọc Lặc đã bám sát thực tiễn, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả về xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ; ưu tiên đầu tư các thiết chế văn hóa, xã hội; thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa; chăm lo phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; đưa thông tin về cơ sở... nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc cũng được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở quan tâm bảo lưu, tạo nên không gian, môi trường văn hóa lành mạnh đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, du lịch, dịch vụ tại địa phương.
Là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, Thọ Xuân không chỉ là vùng đất phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê, mà còn là vùng đất có tiềm năng dồi dào, phong phú về nhiều loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch danh lam thắng cảnh. Trên địa bàn huyện có tới hơn 200 di tích lớn nhỏ các loại, trong đó 6 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 38 di tích xếp hạng cấp tỉnh và hai danh lam thắng cảnh như núi Mục Sơn, đập Bái Thượng. Ngoài ra, Thọ Xuân còn là vùng đất di sản phi vật thể phong phú và đa dạng với nhiều trò diễn dân gian, lễ hội, nghề truyền thống như trò Xuân Phả, ca trù, bánh gai Tứ Trụ... Nhận thức du lịch là “ngành công nghiệp không khói”, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Thọ Xuân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tốt các tiềm năng lợi thế về du lịch thông qua tổ chức lễ hội truyền thống như: lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Xuân Phả, lễ hội Cao Sơn, lễ hội Lê Thánh tông... đã đưa Thọ Xuân thành điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài tỉnh.
Quán triệt sâu sắc quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” đề ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ IX khóa XI, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả, đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, phát huy vai trò nền tảng tinh thần, động lực, mục tiêu của sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Các cấp ủy đảng, chính quyền có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa; nhiều hoạt động được quan tâm tổ chức với cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân góp phần củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh, phục vụ các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ văn hóa của người dân. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục được tăng cường. Toàn tỉnh đã có 1.535 di tích được kiểm kê và công bố; trong đó, đã xếp hạng 856 di tích, có 10 bảo vật quốc gia, 15 loại hình DSVHPVT được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn được duy trì thường xuyên nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục thẩm mỹ cho Nhân dân...
Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - văn nghệ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh lãnh đạo các sở, ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa với các địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị trong và ngoài nước, như Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh; tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); thành phố Seongnam (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc); tỉnh Mittelsachsen (bang Sachsen, Cộng hòa Liên bang Đức); tỉnh Al Farwaniyah (Coet), tỉnh Niigata (Nhật Bản)... nhằm tăng cường mối quan hệ và giao lưu về văn hóa - văn nghệ.
Với những cách làm hiệu quả có thể khẳng định, hoạt động lĩnh vực văn hóa đã có tác động tích cực, trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.