Thanh Hóa: Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh - “Sân chơi” góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa
05/11/2021 | 15:00Khởi đầu chỉ là một hội thi mang tính chất giao lưu, nhưng trải qua gần 30 năm, Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh đã trở thành sự kiện thể thao lớn và quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là “sân chơi” truyền thống, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa quý giá của đồng bào các dân tộc thiểu số xứ Thanh.
Ông Nguyễn Hữu Thành, nguyên quyền Trưởng Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, kể lại: Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao... sinh sống. Những nét văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời và gắn bó mật thiết với đời sống, lao động của đồng bào. Từ đó, nhiều môn thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào các dân tộc đã hình thành và trường tồn cho tới ngày nay. Các môn thể thao dân tộc thường xuất hiện trong các lễ hội, sự kiện lớn của các địa phương. Mặc dù vậy, trước năm 1995, các môn bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn, kéo co chủ yếu được tổ chức dưới hình thức giao lưu giữa các huyện miền núi. Ở cấp tỉnh chỉ có một hội thi giao lưu được tổ chức với quy mô nhỏ tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh (ngày nay).
Từ đặc điểm, tình hình thực tế và xét thấy nhu cầu của đồng bào các dân tộc, ngành TDTT tỉnh Thanh Hóa cùng với Ban Dân tộc tỉnh đã có sáng kiến tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần. Hội thi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1995 với 5 môn thi đấu, gồm: đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, kéo co và bóng chuyền. Đây cũng là những môn thể thao phổ biến và được đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh yêu thích, tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên. Bên cạnh các màn thi thố tài năng, hội thi còn có các hoạt động giao lưu, văn nghệ, đốt lửa trại. Hội thi ra đời đã tạo sức lan tỏa lớn, góp phần làm thay đổi và thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng tại khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa phát triển. Nếu như hội thi lần đầu vì nhiều lý do khách quan đã được tổ chức tại TP Thanh Hóa, thì từ kỳ thứ hai trở đi, hội thi được luân phiên tổ chức tại các huyện miền núi trong tỉnh. Dần dần, hội thi đã trở thành sự kiện thể thao quan trọng của tỉnh Thanh Hóa. Các địa phương trước khi tham gia hội thi cấp tỉnh đều tổ chức hội thi cấp huyện, để tuyển chọn được những VĐV xuất sắc nhất.
Nhận thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của sân chơi này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa đã quyết định đưa Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vào chương trình thi đấu chính thức của các kỳ Đại hội TDTT toàn tỉnh. Trong những kỳ Đại hội TDTT toàn tỉnh gần đây, hội thi là giải đấu quan trọng đối với 11 huyện miền núi trong tỉnh, bởi các môn thể thao dân tộc chính là thế mạnh của các huyện miền núi và đây cũng là cơ sở để các huyện miền núi đua tranh huy chương, thứ hạng trên bảng tổng sắp. Nhờ có các môn thể thao dân tộc, nhiều đoàn thể thao của các huyện miền núi đã giành được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng của Đại hội TDTT toàn tỉnh, điển hình như các đoàn Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Sơn... Các cuộc đua tranh huy chương tại hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh kỳ nào cũng có những bất ngờ, những thay đổi về thứ hạng ở cả 5 môn. Điển hình nhất là việc đội bóng chuyền nam huyện Quan Hóa đã vượt qua một loạt đội mạnh có truyền thống như Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc để giành chức vô địch tại hội thi lần thứ XIII – năm 2019. Hay đoàn Như Thanh, Bá Thước đã có bứt phá mạnh về môn đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co ở 2 kỳ hội thi gần đây; huyện Cẩm Thủy vẫn khẳng định thế mạnh ở các môn bắn nỏ, bóng chuyền nam – nữ. Đặc biệt, đoàn Quan Sơn đã “gây sốc” khi giành vị trí nhất toàn đoàn tại kỳ hội thi lần thứ XIII tổ chức tại Quan Hóa năm 2019.
Những yếu tố nói trên đã khẳng định sự quan tâm, đầu tư có trọng điểm đối với các môn thể thao dân tộc của các huyện miền núi. Để có được thành tích nổi bật, các địa phương phải làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc định hướng, các huyện có sự ưu tiên, tạo điều kiện và từng bước nâng cao hệ thống cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa ngay từ cấp thôn, bản, cho tới cấp xã, huyện. Cùng với đó, việc đưa các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian vào các lễ hội truyền thống của địa phương, dịp lễ tết cũng đã trở nên phổ biến để đồng bào các dân tộc có dịp được giao lưu, thi đấu hàng năm. Nhiều địa phương đã duy trì tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc cấp huyện nhằm tạo sân chơi để đồng bào các dân tộc được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu TDTT. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương duy trì, đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, tìm kiếm những VĐV xuất sắc cho đội tuyển cấp huyện tham gia Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh.
Năm 2021, Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh bước vào kỳ thứ XIV và đây cũng là nội dung quan trọng trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX. Quy mô tổ chức cũng như số lượng VĐV, HLV tham gia sẽ đông nhất từ trước tới nay. Đơn vị đăng cai là huyện Như Thanh với điều kiện cơ sở vật chất tốt đang hướng tới một kỳ hội thi thành công. Các địa phương dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 2 năm qua nhưng đều chủ động, linh hoạt trong công tác chuẩn bị cho hội thi lần này. Do tính chất quan trọng của hội thi là tính vào thành tích chung của Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX, nên hội thi lần thứ XIV này chắc chắn sẽ diễn ra hấp dẫn, với chất lượng chuyên môn cao hơn so với các kỳ hội thi trước.