Thanh Hóa: Du lịch mở cửa, doanh nghiệp sẵn sàng nhưng vẫn cần gỡ khó
08/06/2022 | 16:23Đến nay, sau gần 3 tháng du lịch chính thức mở cửa và đón khách quốc tế, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã dần lấy lại đà tăng trưởng, song các kế hoạch phát triển của doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn. Muốn lấy lại đà tăng trưởng du lịch, đòi hỏi phải có những chính sách tháo gỡ khó khăn và định hướng, giải pháp phát triển kịp thời, đúng hướng.
Theo báo cáo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, năm 2020 có khoảng 90 - 95% doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động (trừ một số ít doanh nghiệp tổ chức tour nội tỉnh). Nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm phần lớn nhân sự. Cũng trong năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Đến năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động... Từ ngày 15-3-2022, du lịch chính thức mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp mặc dù đã rất cố gắng duy trì hoạt động, song khó khăn trong quá trình vận hành là không tránh khỏi.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và Dịch vụ du lịch VNPlus Travel, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) Nguyễn Hà Phương cho biết: Ngay sau khi du lịch mở cửa, thị trường du lịch nội địa đã trở nên sôi động. Tại Thanh Hóa, các đơn vị lữ hành nói riêng, các đơn vị kinh doanh du lịch nói chung đã nhanh chóng triển khai cùng lúc các kế hoạch xây dựng sản phẩm, liên kết với đối tác cung cấp dịch vụ, khai thác khách hàng... Tuy nhiên, đối với các đơn vị lữ hành, vấn đề khó khăn nhất vẫn là thiếu nguồn nhân sự trầm trọng ở các bộ phận, từ CEO cho đến điều hành tour, hướng dẫn viên. Trong khi đó, du lịch mở cửa đúng vào thời gian cao điểm, nhu cầu du lịch của người dân quá lớn sau 2 năm “kìm hãm”. Theo đó, việc phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc đang là thực trạng hiện nay ở rất nhiều đơn vị dịch vụ du lịch.
Theo phản ánh của đại diện một số đơn vị lữ hành, ngay sau khi du lịch mở cửa trở lại, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú xảy ra tình trạng giá dịch vụ không tương xứng với chất lượng dịch vụ. Nguyên nhân một phần do quá trình du lịch bị “đóng băng” hơn 2 năm, cơ sở vật chất xuống cấp, doanh nghiệp không có nguồn kinh phí tu sửa, chỉnh trang, đầu tư mới; thiếu hụt nhân lực chất lượng... Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, mọi chi phí đều tăng mạnh, đẩy giá thành dịch vụ lên cao cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) Lê Đức Sinh cho biết: Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như: giảm thuế, giảm tiền ký quỹ, giảm tiền điện, trợ cấp cho hướng dẫn viên du lịch... Nhưng thời điểm này, điều doanh nghiệp cần nhất là Nhà nước hỗ trợ công tác đào tạo, khôi phục nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực phục vụ và khả năng đón khách. Được biết, đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-BTC hướng dẫn cụ thể về việc hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Trong đó, quỹ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch. Tuy nhiên, đến nay rất nhiều doanh nghiệp du lịch còn lúng túng, chưa nắm bắt được quy trình, thủ tục. Vì vậy, rất cần có sự tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về các chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực để doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Theo Thông tư 12/2022/TT-BTC (ngày 22-2-2022) của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nêu rõ, quỹ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch. Bên cạnh đó, quỹ cũng hỗ trợ triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, góp phần bảo đảm môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; hỗ trợ triển khai các chương trình truyền thông nhằm nâng cao ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch tại các điểm du lịch, khu du lịch. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9-4-2022.
Ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Thực tế trong quá trình phục hồi du lịch, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là vấn đề nguồn nhân lực. Do đó, cùng với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ... Đây cần được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp, hướng đến mô hình vận hành, quản lý hiện đại, chuyên nghiệp. Qua đó, góp phần củng cố bộ máy nhân sự; tăng cường liên kết giữa các bộ phận, thúc đẩy hoạt động tiếp cận khách hàng, thị trường từ xa; nâng cao năng suất lao động; tiết kiệm chi phí vận hành; gia tăng trải nghiệm cho khách hàng; tăng doanh thu và lợi nhuận... bắt kịp xu hướng phát triển du lịch trong tình hình mới.