Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ trong đời sống đương đại

20/12/2022 | 14:45

Cũng như các loại hình văn hóa phi vật thể khác, dân ca, dân vũ xứ Thanh được xem là nguồn lực văn hóa, một bộ phận cấu thành nền tảng tinh thần của xã hội. Chính vì lẽ đó, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; vừa tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Thanh Hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ trong đời sống đương đại - Ảnh 1.

Diễn xướng Pồn Pôông của dân tộc Mường. Ảnh: Trần Hằng

Nói đến kho tàng di sản văn hóa của tỉnh Thanh Hóa không thể không đề cập đến các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc độc đáo do đồng bào các dân tộc và nhiều thế hệ người dân Thanh Hóa sáng tạo, lưu truyền và gìn giữ cho đến tận ngày nay. Điển hình như diễn xướng Pồn Pôông (còn gọi là xường bông) của dân tộc Mường. Đây là diễn xướng dân gian tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như múa, hát, sân khấu, tín ngưỡng... Diễn xướng gồm 2 phần chính là phần lễ và phần tục lệ diễn ra xung quanh cây hoa. Người tham dự sẽ hát bằng điệu xường, chơi nhạc cụ bằng ống nứa giã xuống sàn nhà kết hợp với động tác dân vũ nhún nhảy nhịp nhàng. Các hoạt động diễn xướng, múa hát quanh cây hoa có 9 trò diễn tương ứng với 9 chặng là: Xin vào chơi hoa, Mời vào chơi hoa, Ì Gieo bông trồng hoa, Khen hoa, Giã Ống, Tàn hoa, Hoa biến hóa, Thưởng hoa và Chào về. Pồn Pôông thường được tổ chức vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng Ba và tháng Bảy âm lịch hàng năm. Thông qua loại hình diễn xướng dân gian này, người dân muốn gửi lời cầu nguyện đến các vị vua, vị thần linh, cầu mong mùa màng bội thu, bản mường no ấm, khỏe mạnh và bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ nghề làm thuốc chữa bệnh cứu người...

Cho đến nay, mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về dân ca, dân vũ nhưng đa số các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian đều thống nhất cho rằng dân ca, dân vũ là những bài hát, khúc ca, bài nhảy múa, điệu nhảy múa của một cộng đồng, dân tộc được lưu truyền bằng hình thức truyền khẩu trong Nhân dân và thường không có xuất xứ rõ ràng về tác giả, thời gian và địa điểm ra đời. Chúng được các thế hệ sau tiếp nhận từ thế hệ trước, rồi gọt giũa, sàng lọc, bổ sung qua thời gian. Đặc biệt, dân ca, dân vũ là những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian ít có sự tách biệt với nhau một cách rõ ràng. Trong nhiều trường hợp, chúng kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành loại hình nghệ thuật trình diễn mang tính tổng hợp. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hệ thống dân ca, dân vũ của tỉnh Thanh Hóa có thể được phân thành nhiều loại khác nhau. Trong đó, nếu căn cứ vào nội dung và hình thức trình diễn, dân ca, dân vũ được chia thành hai hình thức chính là trình diễn tập thể và trình diễn cá nhân.

Thanh Hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ trong đời sống đương đại - Ảnh 2.

Trò Xuân Phả - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Còn nếu căn cứ chức năng của nó, thì dân ca, dân vũ có thể chia thành hai nhóm chính là dân ca, dân vũ mang tính tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục và dân ca, dân vũ trong đời sống thường nhật. Đặc điểm chính của nhóm dân ca, dân vũ thứ nhất là mang tính thiêng; còn nhóm thứ hai có đặc điểm chính là mang tính thế tục và giải trí. Cụ thể, đối với nhóm dân ca, dân vũ mang tính tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục có thể kể ra một số điển hình như dân ca, dân vũ Đông Anh, trò Xuân Phả, trò Chiềng, múa đèn, chèo chải, Pồn Pôông, Kin chiêng bọoc mạy, sắc bùa, hầu đồng...; đối với nhóm dân ca, dân vũ trong đời sống thường nhật có thể kể đến như hò lao động, hát giao duyên, hát xẩm, hát ru, hát đồng dao...

Dân ca, dân vũ luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống của cộng đồng các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Chúng được sáng tạo ra nhằm mục đích chính là phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường nhật; nhu cầu lao động sản xuất; nhu cầu giáo dục; nhu cầu nghệ thuật, giải trí; nhu cầu tâm linh. Chính vì vậy dân ca, dân vũ đã được cộng đồng thiết chế hóa thành các hoạt động mang tính phong tục, tín ngưỡng. Do đó, dân ca, dân vũ được xem là sản phẩm của trí tuệ sáng tạo của người Thanh Hóa; là tấm gương phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của cá nhân và cộng đồng, phản ánh trình độ phát triển của một xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Chính vì vậy, các hoạt động dân ca, dân vũ có tác động mạnh mẽ đến xã hội, góp phần định hình mối quan hệ xã hội và các thiết chế văn hóa, tạo nên nền tảng tinh thần xã hội, từ đó thúc đẩy xã hội phát triển hướng đến những giá trị tốt đẹp.

Xuất phát từ ý nghĩa và vai trò của loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo này, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của một số loại hình dân ca, dân vũ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ còn bộc lộ không ít bất cập, hạn chế. Đó là hoạt động truyền dạy dân ca, dân vũ có lúc có nơi còn mang tính tự phát, chưa bài bản. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các thiết chế văn hóa nghệ thuật, câu lạc bộ còn nhiều thiếu thốn. Nhận thức của các tầng lớp xã hội về kho tàng dân ca, dân vũ còn chưa đầy đủ và toàn diện. Nguồn vốn đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa còn khá hạn chế, chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Nhiều nghệ nhân Nhân dân và nghệ nhân ưu tú sau khi được phong tặng danh hiệu đã mất hoặc tuổi cao sức yếu không thể tham gia truyền dạy dân ca, dân vũ cho thế hệ kế tiếp...

Xác định, dân ca, dân vũ xứ Thanh là nguồn lực văn hóa, bộ phận cấu thành nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực tạo ra sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Do đó, trong định hướng bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng trước hết các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần ưu tiên bảo tồn các loại hình dân ca, dân vũ tiêu biểu, các loại hình nghệ thuật trình diễn thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại hoặc di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp (của UNESCO). Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khơi dậy lòng tự hào của người dân Thanh Hóa, nhất là thế hệ trẻ, trong việc bảo vệ, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ của cha ông. Từng bước phát huy giá trị dân ca, dân vũ trong đời sống cộng đồng; xây dựng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặt trưng gắn với du lịch cộng đồng... Từ đó, không chỉ giúp dân ca, dân vũ được “sống khỏe”, mà còn trở thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×