Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Nguyên xây dựng thiết chế văn hóa: Cập chuẩn và nâng chuẩn

22/06/2023 | 09:50

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Thái Nguyên dự kiến hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng 892 nhà văn hóa - khu thể thao xóm, tổ dân phố (NVH - KTT); hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho 600 NVH - KTT. Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 80 đến 90% NVH - KTT đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thái Nguyên xây dựng thiết chế văn hóa: Cập chuẩn và nâng chuẩn - Ảnh 1.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có nhà văn hóa trung tâm. Trong ảnh: Nhà văn hóa xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình.

Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và phát huy nội lực trong nhân dân, những năm gần đây, tỉnh đã gặt hái được nhiều kết quả trong triển khai, thực hiện xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.

Đến nay, trên toàn tỉnh có 2.664 NVH - KTT được xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Nhưng do sát nhập xóm, tổ dân phố, số NVH - KTT bị thừa ra 487 nhà.

Tuy nhiên, trong tổng số NVH - KTT đang hoạt động thì chỉ có 1.473 NVH - KTT có các trang thiết bị của hội trường nhà văn hóa như: Bộ trang âm, trang trí khánh tiết, bàn ghế, bảng tin và các dụng cụ thể thao phổ thông cơ bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, còn lại 704 NVH - KTT chưa đạt chuẩn.

Nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các thiết chế văn hóa là nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhất là trong bối cảnh sau sáp nhập, nhiều xóm, tổ dân phố có số hộ, số dân tăng; NVH - KTT thừa ra nhưng không phù hợp với thực tế mới vì NVH - KTT hạn chế về diện tích. Cùng với đó là nhiều xóm, tổ do không có quỹ đất, nên chưa xây dựng được NVH - KTT, phải sử dụng theo hình thức liên xóm, liên tổ.

Theo tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Toàn tỉnh hiện có 892 xóm, tổ dân phố có nhu cầu xây dựng mới, hoặc sửa chữa, cải tạo thiết chế NVH - KTT. Bao gồm 433 xóm, tổ có nhu cầu hỗ trợ xây dựng mới, trong đó 75 xóm đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóm thuộc xã khu vực III; 1 xóm thuộc khu vực II; 357 xóm thuộc xã khu vực I và các xóm, tổ thuộc các xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh.

459 xóm cần hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng NVH - KTT đã cũ, hỏng, xuống cấp, trong đó có 24 xóm đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóm thuộc xã khu vực III; 5 xóm thuộc xã khu vực II; 420 xóm thuộc xã khu vực I và các xóm, tổ thuộc các xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó là 600 NVH - KTT xóm, tổ dân phố thiếu, hoặc các trang thiết bị đã cũ, hỏng, xuống cấp không còn sử dụng được, cần hỗ trợ của Nhà nước để mua sắm thay thế.

Để “giải bài toán” này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã linh hoạt đề ra nhiều giải pháp phù hợp, điển hình như TP. Sông Công, TP. Phổ Yên và 2 huyện Đồng Hỷ, Phú Lương đã ban hành nghị quyết của HĐND về cơ chế hỗ trợ, hoặc có nội dung hỗ trợ đối với NVH - KTT; huyện Định Hóa có cơ chế áp dụng từ vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Mức hỗ trợ xây mới từ 20 - 300 triệu đồng/NVH - KTT; mức hỗ trợ sửa chữa từ 10 - 150 triệu đồng/NVH - KTT. Về hỗ trợ thiết bị: Huyện Phú Lương hỗ trợ 30 triệu đồng/NVH - KTT; TP. Sông Công hỗ trợ 20 triệu đồng/NVH - KTT.

Thái Nguyên xây dựng thiết chế văn hóa: Cập chuẩn và nâng chuẩn - Ảnh 2.

Hoạt động của nhân dân tổ dân phố Đồng Bẩm, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), tại Nhà văn hóa tổ.

Mặc dù các xóm, tổ dân phố được Nhà nước hỗ trợ cấp đất, nhưng thực tế công tác vận động nhân dân đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho thiết chế văn hóa gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với 33 xóm thuộc xã khu vực II; 86 xóm thuộc xã Khu vực III và 60 xóm đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, III của tỉnh.

Do đó, để đạt mục tiêu có NVH - KTT đạt chuẩn, giải pháp hiệu quả nhất là có sự hỗ trợ cơ bản của Nhà nước về kinh phí xây dựng, còn người dân tham gia đối ứng bằng ngày công.

Theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình mẫu nhà văn hóa xóm, tổ dân phố do Sở Xây dựng thực hiện được triển khai trên toàn tỉnh hiện nay: Quy mô xây dựng 90; 120; 150 và 200 chỗ ngồi/nhà. Theo đó, tổng mức đầu tư tương ứng với quy mô xây dựng lần lượt là 550 triệu đồng/nhà; 650 triệu đồng/nhà; 950 triệu đồng/nhà và hơn 1.3 tỷ đồng/nhà.

Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ xây mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm trang thiết bị NVH - KTT đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2023-2025 là khoảng 231 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ xây dựng mới là hơn 127 tỷ đồng; hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, mở rộng là hơn 74 tỷ đồng; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị là 30 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở được tỉnh vận dụng phù hợp với từng khu vực. Tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích sự đồng hành tham gia đóng góp, đối ứng của mọi người dân trong xây dựng NVH - KTT đạt chuẩn; đáp ứng nhu cầu chính đáng của cơ sở trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là các xóm vùng khó khăn, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống.

Theo Báo Thái nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×