Thái Nguyên: Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2023”
10/11/2023 | 08:47Nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị tiêu biểu, đặc sắc về văn học dân gian của các dân tộc thiểu số (DTTS); nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các tác phẩm văn học dân gian, vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 3875/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS của tỉnh Thái Nguyên trong việc bảo tồn, phát huy các tác phẩm văn học dân gian; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học dân gian trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đưa các tác phẩm văn học dân gian vào các sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa nhằm định hướng cho người dân ý thức giữ gìn, bảo tồn văn học dân gian của dân tộc mình. Thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch bảo tồn, phát huy tác phẩm văn học dân gian của các DTTS để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Kế hoạch được triển khai thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đối tượng thực hiện là các thể loại văn học dân gian của đồng bào các DTTS, trong đó phát huy các tác phẩm có giá trị tiêu biểu và hiện đang sử dụng thường xuyên; bảo tồn, lưu giữ các tác phẩm có nguy cơ bị mai một và nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các tác phẩm đã mất; đồng bào các DTTS, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nghệ nhân người DTTS, các già làng, trưởng thôn, bản khu vực miền núi, vùng DTTS.
Đề án được triển khai từ năm 2023 đến năm 2030, chia làm 2 giai đoạn:
* Giai đoạn 2023 - 2026:
- Sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức thực hiện công tác kiểm kê hàng năm để lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về văn học dân gian các DTTS.
- Phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản tác phẩm văn học dân gian của các DTTS, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các DTTS để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy.
- Áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa các tác phẩm văn học dân gian của các DTTS có nguy cơ mai một.
- Căn cứ hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan liên quan tham mưu chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Phấn đấu 50% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả
dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín... được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các DTTS.
- Phấn đấu 40% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương vùng đồng bào DTTS đưa thể loại văn học dân gian của các DTTS vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh.
- Phấn đấu hình thành 20 - 30% câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian/01 xã vùng DTTS để thực hành, biểu diễn và trao truyền các thể loại văn học dân gian.
- Quan tâm tổ chức cuộc thi, cuộc phát động, sưu tầm, sáng tác văn học dân gian của các DTTS.
* Giai đoạn 2027 - 2030:
- Hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể các thể loại văn học dân gian của các DTTS.
- Phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 80% các tác phẩm văn học dân gian của các DTTS, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các DTTS để lưu trữ, phát huy, truyền dạy.
- Tiếp tục áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa các tác phẩm văn học dân gian của các DTTS có nguy cơ mai một.
- Phấn đấu 80% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và văn học dân gian của các DTTS nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Phấn đấu 80% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín... được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các DTTS.
- Phấn đấu 80% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương vùng đồng bào DTTS đưa thể loại văn học dân gian của các DTTS vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh.
- Phấn đấu hình thành được 30 - 50% câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian/01 xã vùng DTTS để thực hành, biểu diễn và trao truyền các thể loại văn học dân gian.
- Quan tâm tổ chức cuộc thi văn học dân gian của các DTTS.