Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa

20/11/2020 | 18:25

Tiếp tục thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", 2 năm qua, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", “Khu dân cư văn hóa” (viết tắt là Nghị định 122). Mặc dù Nghị định 122 quy định chi tiết hơn, khó đạt được các danh hiệu văn hóa hơn, nhưng sau 2 năm thực hiện, tỷ lệ gia đình, khu dân cư đạt các danh hiệu văn hóa trên địa bàn tỉnh đều tăng lên.

Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao tượng trưng 16 bộ thiết bị âm thanh phục vụ sinh hoạt cộng đồng của bà con nhân dân ở các xóm đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai.

Những năm qua, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (viết tắt là Phong trào) và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an ninh chính trị, tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh hơn. Thông qua Phong trào, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không ngừng hoàn thiện và duy trì hoạt động, diện mạo nông thôn và đô thị khởi sắc…

Để Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, một giải pháp quan trọng là tỉnh ta đã triển khai có hiệu quả Nghị định 122 từ năm 2019. Nghị định đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản của việc bình xét các danh hiệu văn hóa và 4 nhóm giải pháp gồm: Xây dựng tiêu chí bình xét danh hiệu; Thang điểm và phương thức chấm điểm; Quy trình xét tặng và Biện pháp quản lý nhà nước. Với quy định chặt chẽ, việc bình xét, công nhận danh hiệu phải xây dựng dựa trên các nguyên tắc bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai; thực hiện trên cơ sở tự nguyện và chỉ xét tặng khi hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia.

So với Thông tư số 12/2011/TT-Bộ VHTTDL trước đó thì Nghị định 122 quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Các tiêu chí quy định trong Nghị định đạt độ tiệm cận hoặc cao hơn mức chuẩn so với một số nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; các tiêu chí đều có định lượng, do đó dễ xác định được mức độ đạt hoặc không đạt khi thực hiện bình xét.

Sau khi Nghị định 122 được ban hành, Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp trong tỉnh đã có những đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động để việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa thực sự chất lượng; thể hiện sự minh bạch, công bằng, phát huy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân để xây dựng phong trào văn hóa ở cơ sở ngày càng sôi nổi.

Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quán triệt, tổ chức tập huấn triển khai thực hiện từ tỉnh, huyện, thành, thị xuống các phường, xã, xóm, tổ dân phố. Các phòng văn hóa - thông tin huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu với chính quyền địa phương ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến nội dung Nghị định đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, phòng văn hóa - thông tin các huyện, thị xã, thành phố cũng có trách nhiệm hướng dẫn việc đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” theo quy định tại Nghị định 122.

Qua 2 năm thực hiện Nghị định 122, đến nay, Thái Nguyên đã thu được hiệu quả tốt, chất lượng các danh hiệu văn hóa từng bước được nâng lên. Trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, tuy 24 tiêu chí đặt ra cho việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa khó hơn trước nhưng hầu hết các hộ gia đình tham gia phong trào đều thực hiện tốt các tiêu chí; có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa. Nếu như năm 2018, toàn tỉnh có 285.824 gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, đạt 90,1% thì năm 2019, toàn tỉnh có 291.633 gia đình được công nhận danh hiệu này, đạt 90,57%. Năm 2020, dự ước toàn tỉnh có 90,74% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa.

Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa - Ảnh 2.

Người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng góp phần thực hiện các tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Trong ảnh: Một tiết mục văn nghệ của người dân huyện Phú Lương tham gia Liên hoan tuyên truyền lưu động năm 2020 của tỉnh.

Phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa cũng được cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực, tạo thành khối đại đoàn kết gắn bó giữa các hộ gia đình, tình làng nghĩa xóm được củng cố, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau được người dân chú trọng. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác rà soát, kiểm tra, kịp thời khắc phục được những hạn chế, khó khăn và vướng mắc trong triển khai thực hiện tại cơ sở, nhờ đó chất lượng bình xét các danh hiệu được nâng cao, là cơ sở để các cấp chính quyền tiến hành thực hiện công tác bình xét được thuận lợi, hiệu quả và chất lượng. Nếu như năm 2018 toàn tỉnh có 2.486 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 81,99% thì năm 2019, toàn tỉnh hiện có 2.650 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 91,28%. Năm 2020, dự ước toàn tỉnh có 91,37% xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa.

Như vậy, dù Nghị định 122 chi tiết hơn, khó đạt được các danh hiệu văn hóa hơn nhưng sau hai năm thực hiện, do phù hợp với tình hình thực tế nên tỷ lệ gia đình, khu dân cư đạt các danh hiệu văn hóa thực tế cho thấy đều tăng lên. Đây là tín hiệu tích cực trong thực hiện Phong trào những năm tiếp theo.

Theo Báo Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×