Thái Nguyên: Gắn phát triển du lịch với văn hóa của đồng bào Dao
04/10/2022 | 09:00Theo số liệu điều tra dân số năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 32.370 người dân tộc Dao, chiếm 8,42% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số; sinh sống ở tất cả 9 huyện, thành phố. Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh đã triển khai nhiều chương trình nhằm đưa những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Dao đến đông đảo du khách.
Đã nhiều năm nay, năm nào ông Nguyễn Văn Hợp ở huyện Gia Lâm, T.P Hà Nội, cũng cùng với anh em, bạn bè đến xã Quân Chu (Đại Từ) để thăm các điểm du lịch tự nhiên như: Thác Đát Ngao, thác Chiểm, đá đen, đá trắng. Năm nay, ngoài khám phá các điểm du lịch trên, ông Hợp còn được tìm hiểu về văn hóa của đồng bào dân tộc Dao sinh sống ở xã. Ông Hợp phấn khởi nói: Tôi không chỉ tận mắt chiêm ngưỡng những bộ quần áo của đồng bào Dao mà còn được tìm hiểu về quy trình sản xuất, cách nhuộm chàm, thêu và trực tiếp mặc thử. Tôi cảm thấy vô cùng thú vị.
Nhằm giúp du khách đến gần hơn với văn hóa truyền thống của đồng bào Dao trên địa bàn xã, thời gian qua, ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Hợp tác xã Quân Chu còn khai thác du lịch. Anh Triệu Tiến Tư, Giám đốc Hợp tác xã, chia sẻ: Mỗi khi khách du lịch đến đây trải nghiệm mà có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa người Dao, chúng tôi sẽ cung cấp các dịch vụ như: Lưu trú trong nhà sàn, tìm hiểu trang phục truyền thống, thưởng thức các món ăn và ngâm chân bằng bài thuốc truyền thống...
Cũng như Hợp tác xã Quân Chu, những chủ vườn cây ăn quả ở xã Hoàng Nông (Đại Từ) cũng gắn phát triển du lịch nông nghiệp với văn hóa truyền thống của đồng bào Dao.
Chị Phùng Thị Hưởng, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông, cho biết: Mỗi khi có đoàn khách du lịch do Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh giới thiệu đến, tôi đều mời từ 3-5 bà con đồng bào Dao đến để cùng tham quan, trải nghiệm vườn cây ăn quả. Du khách được chụp ảnh cùng bà con với bộ trang phục truyền thống, nghe những bài hát ca ngợi cảnh đẹp, quê hương thông qua điệu hát Pả Dung của người Dao…
Là một tỉnh có 50 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Điều này thể hiện ở các tập quán sinh hoạt, nhà ở, trang phục, ẩm thực, các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật dân gian... Nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Dao nói riêng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gắn du lịch: Sinh thái nghỉ dưỡng, nông nghiệp, tâm linh, cộng đồng với tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào đồng bào Dao, Tày, Nùng, Mông, Sán Dìu, Sán Chay.
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin: Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh, tập trung hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 8/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng phát triển du lịch đến năm 2030 xác định: “Phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc”. Để cụ thể hóa nội dung này, Sở tập trung xây dựng các điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Tày tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) và xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa); dân tộc Dao tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình (Định Hóa); dân tộc Dao, Tày tại xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ)... Những điểm du lịch này mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con, qua đó nhằm động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.