Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thái Nguyên: “Đánh thức” giá trị di sản, di tích

14/11/2022 | 08:51

Nhiều năm qua, Thái Nguyên quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa, di tích. Qua đó phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử trong giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành Du lịch trên địa bàn.

Thái Nguyên: “Đánh thức” giá trị di sản, di tích - Ảnh 1.

Du khách tham quan Nhà trưng bày trong quần thể Khu di tích ATK Định Hóa.

Hơn 3 năm đi vào hoạt động, được sự đầu tư nâng cấp của tỉnh, Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đã được xây dựng to đẹp, đón hàng trăm nghìn lượt người đến dâng hương tri ân, tham quan.

Chỉ tính từ đầu năm đến hết tháng 9 vừa qua, Khu di tích này đã đón tiếp 586 đoàn với trên 69 nghìn lượt khách tham quan. Trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội…

Di tích 915 cũng được chọn là bối cảnh thực hiện nhiều cảnh quay phim truyện nhựa C 915 về Đại đội 915 của Hãng phim truyện Quân đội; là nguồn cảm hứng để Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh xây dựng, công diễn thành công vở chèo “Lưu xá - Một thời hoa lửa” với nội dung tôn vinh sự hy sinh cao cả của 60 liệt sĩ TNXP.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Vũ Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thông TP. Thái Nguyên, cho biết: Với quy mô được nâng cấp như hiện nay, chúng tôi rất thuận lợi trong công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng thông qua các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm thực tế, tọa đàm, kết nạp đảng viên mới…

Ngoài Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, Thái Nguyên quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa. Từ năm 2018 đến 2022, bằng nguồn kinh phí chống xuống cấp di tích (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và xã hội hóa), Thái Nguyên đã thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi gần 80 di tích với tổng kinh phí trên 180 tỉ đồng.

Nhiều di tích được đầu tư tôn tạo có quy mô lớn như di tích: Địa điểm Lưu niệm các TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; chùa Hang; Địa điểm Trường Nguyễn Ái Quốc; Địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Địa điểm Trụ sở làm việc của Văn phòng Trung ương Đảng tại huyện Định Hóa; Địa điểm công bố ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc; Di tích nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong Việt Nam; Di tích lịch sử Quốc gia đền Mục…

Tỉnh cũng đã phê duyệt, triển khai Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế tại phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên.

Song song với đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã hoàn thành tốt công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và tổ chức công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thái Nguyên với 550 di sản.

Thái Nguyên: “Đánh thức” giá trị di sản, di tích - Ảnh 2.

Hát Then được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong đó có 17 di sản được đưa vào Danh mục Quốc gia, như: Múa Tắc xình, hát Sấng cọ, lễ hội Cầu mùa (của người Sán Chay); lễ Cấp sắc, nghi lễ Tết nhảy, Pả dung (của người Dao); rối cạn Thẩm Rộc và Ru Nghệ; nghi lễ Then; lễ hội Lồng Tồng… Hát Then Tày - Nùng - Thái được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019…

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, di tích góp phần quan trọng trong thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời đại mới. Các di tích, di sản được bảo tồn và phát huy giá trị đã góp phần giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn chú trọng gắn công tác bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích với phát triển du lịch. Nhờ đó, ngày càng có nhiều di tích được biết đến rộng rãi và nhận được nhiều nguồn hỗ trợ để tiếp tục đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch, trở thành nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Theo thống kê của của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết tháng 9-2022, toàn tỉnh đã đón trên 1 triệu lượt du khách đến tham quan các di tích, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt trên 290 tỷ đồng, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê này minh chứng cho mối quan hệ tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển của bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa truyền thống tại Thái Nguyên và phát triển du lịch.

Theo Báo Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×