Thái Lan: Kế hoạch phát triển du lịch đến 2021
09/02/2019 | 09:09Thái Lan là quốc gia sở hữu các giá trị di sản và văn hóa "độc nhất vô nhị", ẩm thực nhiều hương vị, các bãi biển yên bình và lòng hiếu khách. Thái Lan liên tục được biết đến là điểm đến hàng đầu của nhiều du khách.
1. Giới thiệu
Trong suốt 5 năm qua, Thái Lan có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành du lịch dựa theo số lượng du khách và thu nhập có được. Quốc gia này trở thành điểm đến thứ 11 của thế giới về lượng du khách quốc tế, chào đón khoảng 30 triệu du khách quốc tế trong năm 2015.
Thủ đô Bangkok, Thailand. Ảnh Markinternational.info
Thêm vào đó, ngành du lịch nước này đã tạo ra thu nhập ước tính khoảng 17% của GDP trong năm 2015 và 69 tỷ đôla trong doanh thu du lịch. Theo thống kê, Thái Lan cũng trở thành điểm đến thứ 6 trên thế giới có số lượng du khách quốc tế đến đông nhất.
Sự phát triển nhanh của ngành du lịch đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Vào năm 2012, Thái Lan đã thúc đẩy kế hoạch phát triển du lịch quốc gia lần 1 trong giai đoạn 2012-2016, tập trung vào việc xây dựng chất lượng dịch vụ du lịch đồng thời giữ cân bằng giữa cung và cầu.
Xét tổng thể, Kế hoạch phát triển du lịch quốc gia 2012-2016 đã giúp Thái Lan phát triển thị trường du lịch và là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu du lịch lớn hơn 15%. Đây là sự phát triển vượt mục tiêu về khả năng cạnh tranh du lịch. Bên cạnh đó còn có 8 cụm du lịch được thành lập.
Kế hoạch phát triển du lịch lần 2 trong giai đoạn 2017-2021 của Thái Lan sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc chuẩn bị tốt hơn cho Thái Lan tiếp cận với thị trường du lịch toàn cầu và tăng cường phát triển ngành du lịch bền vững.
Việc phát triển lâu dài và định hướng là cốt lõi trong chương trình phát triển quốc gia. Thái Lan đang hướng tới phát triển một quốc gia tốt hơn với khẩu hiệu "thịnh vượng, ổn định và bền vững" trong tầm nhìn phát triển quốc gia 20 năm. Phát triển nguồn nhân lực đang đi đầu trong chương trình nghị sự quốc gia. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển du lịch quốc gia lần 2, Thái Lan muốn nhấn mạnh đến tầm nhìn lâu dài trong 20 năm tới đến năm 2036.
Kế hoạch tổng thể tập trung vào việc phát triển chiến lược và các sáng kiến chi tiết trong 5 năm đầu tiên (2017-2021) nhằm thúc đẩy cạnh tranh du lịch Thái Lan, duy trì đảm bảo một Thái Lan ổn định, bền vững và thịnh vượng.
2. Kế hoạch tổng thể
Kế hoạch tổng thể bao gồm 5 chiến lược nhằm thúc đẩy chất lượng du lịch. Mỗi chiến lược sẽ tập trung vào việc phát triển hạ tầng cần thiết, chất lượng dịch vụ du lịch, chất lượng nhân sự và sự tham gia của cộng đồng địa phương cũng như một hình ảnh Thái Lan thông qua chiến lược tiếp thị hiệu quả. Lộ trình phát triển 5 năm và các sáng kiến chi tiết sẽ được xây dựng theo hướng dẫn chung. Điều này sẽ sắp xếp các hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo sự phát triển du lịch hiệu quả nhất.
Ancient Siam, Thái Lan. Ảnh Markinternational.info
Kế hoạch phát triển du lịch quốc gia lần 2 trong giai đoạn 2017 -2021 cần phải tính toán đến các thay đổi nhanh chóng và nắm bắt các cơ hội của ngành du lịch. Kế hoạch tiếp tục đưa ra phản ánh các đề xuất của bên liên quan đến 5 yếu tố chủ chốt, bao gồm cả quan điểm toàn cầu và địa phương.
- Đánh giá về kế hoạch phát triển du lịch quốc gia trong năm 2012-2016 thông qua các khảo sát, phỏng vấn và xem xét lại kế hoạch phát triển du lịch quốc gia lần 1.
- Nghiên cứu ngành du lịch của Thái Lan và toàn cầu, bao gồm phân tích tình hình hiện tại và dự đoán tương lai của ngành du lịch toàn cầu; phân tích các xu hướng và tác động toàn cầu , trong đó bao gồm các xu hướng cho từng phân khúc du lịch và đánh giá du lịch Thái Lan thông qua các khía cạnh khác nhau của vòng đời phát triển du lịch.
- Nghiên cứu các kế hoạch phát triển du lịch tổng thể và các chiến lược cạnh tranh khu vực cũng như các quốc gia có ngành du lịch phát triển tốt nhất thế giới thông qua nghiên cứu tầm nhìn du lịch và trục chiến lược.
- Nghiên cứu quan điểm và những kế hoạch các bên liên quan trong ngành du lịch Thái Lan, bao gồm đánh giá kế hoạch tổng thể của các tổ chức Thái Lan liên quan cùng với sự phát triển du lịch, phỏng vấn với các chuyên gia và các bên liên quan trong ngành du lịch.
- Xác nhận những yếu tố đầu vào của các bên liên quan từ khu vực công, khu vực tư nhân.
3. Chiến lược
3.1. Phát triển các điểm du lịch, sản phẩm và dịch vụ, bao gồm khuyến khích phát triển bền vững, môi trường thân thiện và tính toàn vẹn.
Chiến lược tập trung vào việc cải thiện các thành phần cốt lõi của du lịch nhằm tập trung vào các điểm đến và dịch vụ hấp dẫn. Dịch vụ du lịch nên đạt được tiêu chuẩn quốc tế và sở hữu các giá trị độc đáo, khác biệt. Phát triển dịch vụ du lịch nên được thực hiện theo xu hướng môi trường thân thiện và cân bằng về vị trí, thời gian cũng như phân đoạn du lịch. Các yếu tố này sẽ thúc đẩy các cơ hội, thu nhập và sự giàu có của đất nước.
Thái Lan tiếp tục duy trì điểm đến dẫn đầu về du lịch văn hóa, du lịch biển cát nắng và du lịch y tế. Thái Lan tập trung hỗ trợ phát triển du lịch hướng đến các mục tiêu phân đoạn du lịch chất lượng; thúc đẩy Thái Lan là điểm đến dẫn đầu khu vực nhằm vào các phân khúc du lịch tiềm năng, bao gồm du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm và du lịch thể thao. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng hỗ trợ phát triển các phân đoạn du lịch tiềm năng hiện chưa được phổ biến, bao gồm, du lịch du thuyền hay du lịch nhân tạo.
Thái Lan tối ưu hóa chuyến bay nội địa để thúc đẩy phát triển du lịch. Ảnh: thaiAirways
Thái Lan cũng tập trung vào tính bền vững văn hóa và di sản địa phương thông qua hợp tác các bên liên quan, bao gồm ý thức bảo tồn, xác định tiêu chuẩn và duy trì tính độc đáo của kiến trúc cũng như lối sống địa phương đặc trưng. Thúc đẩy yếu tố bền vững môi trường thông qua hợp tác tất cả các bên liên quan, bao gồm thúc đẩy hiểu biết và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của bảo tồn cũng như thiết lập tiêu chuẩn trung tâm và luật pháp về môi trường. Thúc đẩy các khu vực du lịch cân bằng, bao gồm thành lập các cụm du lịch phát triển tại các tỉnh và khu vực chưa biết đến.
3.2. Phát triển, cải thiện hỗ trợ cơ sở hạ tầng và tiện nghi mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, môi trường địa phương.
Chiến lược tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và tiện nghi cần thiết nhằm hỗ trợ tăng trưởng ngành du lịch. Chiến lược hướng đến các tiện ích về giao thông, cơ sở vật chất và tiện nghi cho khách du lịch, an toàn và an ninh cho du khách.
Thái Lan phát triển mạng lưới giao thông hàng không phục vụ du khách thông qua cải thiện sân bay quốc tế và bổ sung các chuyến bay quốc tế có đường bay thẳng đến các thành phố chính tại nước này.
Chiến lược hỗ trợ và nâng cao hiệu quả, tiện ích trong các chuyến bay đến Thái Lan thông qua đường bộ và đường biển, bao gồm việc cải thiện các chuyến bay xuyên biên giới và tính hiệu quả của các trạm kiểm soát.
Thái Lan tối ưu hóa chuyến bay nội địa thông qua việc cải thiện và xây dựng các sân bay tại các tỉnh, mở thêm các đường bay mới kết nối giữa thành phố chính với các thành phố khác.
Việc cải thiện hệ thống giao thông đường bộ trong nước bao gồm mở rộng và cải thiện các tuyến đường cao tốc nhằm đảm bảo an toàn đi lại cho du khách cũng như thiết lập hệ thống xe buýt đưa đón tại các điểm đến. Thái Lan cũng chú trọng vào mạng lưới giao thông bằng tàu tại các điểm đến du lịch trong nước, kết nối với các nước láng giềng.
3.3. Thúc đẩy phát triển tiềm năng nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức du lịch cho người dân Thái Lan
Chiến lược tập trung vào việc phát triển nguồn lực du lịch thông qua đào tạo và thúc đẩy chất lượng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các nỗ lực phát triển nguồn nhân lực nên đảm bảo sự tham gia hợp tác của các bên liên quan ở khu vực công và tư nhân đáp ứng chất lượng và kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường. Chiến lược này cũng khơi dậy lòng hiếu khách của Thái Lan thông qua ý thức của người dân và hợp tác tích cực với các cộng đồng địa phương.
Chiến lược nhằm cải thiện chương trình giáo dục quốc gia thông qua thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư trong nỗ lực phát triển du lịch tổng thể phù hợp với nhu cầu ngành công nghiệp.
Thúc đẩy đào tạo cơ bản các kỹ năng chung về nhân lực trong ngành du lịch, bao gồm ngôn ngữ, giao tiếp, công nghệ thông tin và sự hiếu khách thông qua mở rộng các sáng kiến cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.
Thúc đẩy việc đào tạo kỹ năng chuyên sâu nhằm hỗ trợ phát triển các phân khúc đa du lịch, bao gồm thành lập trung tâm đào tạo chuyên sâu có sự hợp tác giữa công và tư. Nâng cao chất lượng chuyên nghiệp trong ngành du lịch để đảm bảo phù hợp với nhu cầu của ngành.
Tăng cường nhân lực trong ngành du lịch, bao gồm cải thiện kỹ năng và khuyến khích nhân viên bày tỏ sự hiếu khách trong toàn ngành cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các chủ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự hấp dẫn của ngành.
Giải quyết sự thiếu hụt lao động trong ngành du lịch thông qua việc tạo việc làm cho người dân địa phương và tuyển dụng các đội tuần tra hỗ trợ lực lượng an ninh.
3. 4. Tạo sự cân bằng giữa các nhóm mục tiêu du lịch thông qua tiếp thị
Chiến lược tập trung vào cải thiện thương hiệu du lịch Thái Lan trở thành điểm đến chất lượng. Điều này giúp cho du lịch Thái Lan phát triển cân bằng và chất lượng. Chiến dịch tiếp thị được xem là phương pháp tiếp cận thu hút nhiều du khách quốc tế và du khách trong nước. Công nghệ tăng cường khả năng tiếp thị và tạo ấn tượng tốt hơn cho khách du lịch tiềm năng.
3.5. Tổ chức hợp tác và hội nhập giữa các khu vực công và khu vực tư nhân trong phát triển và quản lý du lịch, bao gồm hợp tác quốc tế.
Chiến lược tập trung vào thúc đẩy hợp tác và tương tác giữa các bên liên quan trong ngành. Điều này liên quan đến việc tăng cường quản trị, điều chỉnh luật và quy định liên quan đồng thời quản lý thông tin du lịch nhằm hỗ trợ kế hoạch phát triển và phân tích hiệu quả hơn. Chiến lược cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác công và tư cũng như hợp tác quốc tế và xem là động lực chính mang lại thành công cho phát triển du lịch.