Tết là dịp để sống chậm, khó hay dễ?
30/01/2020 | 08:53Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ dài nhất trong một năm khiến nhiều người mong muốn đây là dịp để sống chậm. Tuy nhiên để Tết là dịp sống chậm chưa phải ai cũng làm được. Bàn thêm về chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hoài Phương, Phó Trưởng bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Ứng xử với Tết tùy theo tâm thế và điều kiện của từng gia đình
Vào dịp gần Tết, chúng ta bắt gặp rất nhiều cụm từ như "Đang yên đang lành lại Tết", "Nhà bao việc lại Tết"… để nói về sự "sợ Tết" khi phải lo lắng, gánh vác nhiều việc mỗi dịp Tết?. Theo bà thì tâm lý này thể hiện điều gì?
- Tết/ Tiết là một mốc đánh dấu một khoảng thời gian cụ thể trong năm, vì thế trong một năm có thể có nhiều cái tết/ tiết (Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Hàn thực, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu, Tết Cơm mới…). Ngày nay ta thường dùng khái niệm Tết để chỉ Tết Nguyên đán/ dân gian còn gọi là Tết Cả.
Trước đây, trong xã hội nông nghiệp, Tết Nguyên đán không chỉ đánh dấu thời điểm kết thúc của một năm theo lịch trăng mà cũng là dịp hoàn thành vụ mùa, khởi đầu vụ chiêm mới. Vì vậy, việc ăn Tết vừa để mừng một vụ đã qua, cầu mong cho vụ mới suôn sẻ. Và trước đây, do điều kiện kinh tế nông nghiệp khó khăn, nên người dân thường chuẩn bị cho Tết từ rất sớm, thậm chí có những thứ phải chuẩn bị trước cả nửa năm (măng miến, gạo đỗ, mo cau gói bánh…) và tập trung cho Tết từ 23 tháng Chạp cúng ông Công, ông Táo.
Ngày nay, hoạt động nông nghiệp vẫn còn, nhưng bên cạnh đó, Tết là thời điểm chúng ta phải tập trung lo giải quyết tất cả các công việc còn lại của năm (rất nhiều công việc, không chỉ là công việc đồng áng như trong xã hội nông nghiệp trước đây), chuẩn bị đón Tết với rất nhiều các mối quan hệ xã hội cần quan tâm (không chỉ có cha mẹ anh em họ hàng làng xóm như trong xã hội nông nghiệp trước đây), vì thế, để chuẩn bị cho Tết có rất nhiều việc phải lo, từ đó sinh ra tâm lý "sợ Tết", nó thể hiện rõ những áp lực của cuộc sống hiện đại dồn tụ trong ngày Tết.
Tết được coi là thời điểm để mọi người nghỉ ngơi, đoàn tụ và cảm nhận được những giá trị tốt đẹp truyền thống. Nhưng dường như đang có những sự đối lập khiến nhiều người lúng túng lựa chọn giữa một bên là thực hiện các nét đẹp văn hóa, truyền thống để tạo nên không khí Tết như dọn nhà, gói bánh chưng, làm cỗ cúng tổ tiên, thăm hỏi chúc Tết… với một bên là sự tối giản bằng những dịch vụ sẵn có để bớt đi công việc này. Với quan điểm của bà thì sự tối giản khi chuẩn bị cho Tết có cần thiết không?, vì sao?
- Ứng xử với Tết còn tùy theo tâm thế và điều kiện của từng gia đình. Rõ ràng, Tết là dịp để đoàn tụ gia đình, con cái dù có đi làm ăn xa cũng cố gắng thu xếp để về bên cha mẹ, để con cháu hướng tới ông bà tổ tiên; đồng thời Tết cũng là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, tiếp thêm năng lượng, thêm hy vọng cho một năm mới. Vì thế, quan trọng nhất là cân bằng giữa nhu cầu và khả năng của từng cá nhân, gia đình. Ví dụ, việc dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng ngày Tết, nếu gia đình có nhân lực, có thời gian thì có thể tự làm; nếu bận rộn, neo người có thể thuê dịch vụ; việc gói bánh chưng cũng vậy, nếu có điều kiện thời gian, vật chất có thể tự gói để gia đình có không khí của ngày Tết, nếu bận rộn có thể mua bánh đã gói sẵn. Làm thế nào để cái Tết không biến thành gánh nặng của mọi người (đặc biệt là với những người phụ nữ, trước Tết thì dọn dẹp, soạn sửa, trong Tết thì cỗ bàn nội ngoại…).
Tết là dịp để sống chậm
Nếu như sự tối giản là cần thiết và được thực hiện ở dịp Tết, vậy làm thế nào để các thế hệ sau trong gia đình vẫn cảm nhận được không khí Tết truyền thống với những giá trị văn hóa tốt đẹp?
- Đời sống kinh tế, xã hội biến đổi thì các giá trị văn hóa cũng biến đổi theo, vì thế không thể/ không nên cứng nhắc khư khư giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà bản thân những giá trị văn hóa ấy cũng cần được cải biến cho phù hợp. Không khí Tết không phải chỉ ở việc dọn nhà, gói bánh, làm cỗ cúng gia tiên, các bữa tiệc tùng… mà nó còn hiển hiện qua niềm vui của ngày đoàn tụ gia đình, của sự ấm cũng trong bữa cơm tất niên, sự hân hoan của người già khi được con cháu thăm hỏi, niềm háo hức của những đứa trẻ khi được nhận lì xì, của việc mọi người chúc nhau những điều tốt đẹp nhất cho năm mới, của mở hàng, xuất hành, khai bút, khai xuân cầu mong mọi việc hanh thông thuận lợi… Đó là những giá trị văn hóa cốt lõi, nhân văn tốt đẹp của ngày Tết, cần được giữ gìn và phát huy.
Là một giảng viên về văn hóa, theo bà thì làm thế nào để dung hòa công việc chuẩn bị Tết sao cho không lãng phí và mệt mỏi?
- Chính xác thì Tết chỉ có mấy ngày (ngày 30 cuối năm và 3 ngày mùng 1 tết cha mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy), nhưng sự lãng phí và mệt mỏi (nếu có) đâu nằm trong mấy ngày Tết mà ở đoạn trước Tết và sau Tết. Trước Tết thì bận rộn chuẩn bị, quà cáp, lễ lạt, sắm tết…; sau Tết thì du xuân…, vừa tốn kém, vừa mệt mỏi, vừa giảm kết quả làm việc. Vì thế, việc chuẩn bị Tết, chơi Tết, và thậm chí cả chơi sau Tết đều cần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng người, từng nhà, không có thước đo chung cho tất cả.
Tết là dịp để sống chậm – được nghỉ ngơi cho bản thân, được cảm nhận cuộc sống… là mong muốn của không ít người hiện nay khi Tết đến. Bà nhìn nhận về mong muốn này như thế nào? Vậy theo bà, làm thế nào để Tết có thể trở thành dịp sống chậm?
Với cuộc sống bận rộn như hiện nay, chúng ta cả năm đã làm việc vất vả và nhiều áp lực, vì thế, mỗi dịp lễ tết cũng chính là thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng để chuẩn bị cho một nhịp quay mới, vì thế nhu cầu này hoàn toàn chính đáng, và Tết Nguyên đán cũng không là ngoại lệ.
Hơn nữa, tôn kính với ông bà tổ tiên đâu cứ phải chờ đến Tết, hiếu kính với cha mẹ đâu phải chờ đến Tết, chăm lo cho con trẻ đâu phải chờ đến Tết, các mối quan hệ xã hội đều cần quan tâm, vun đắp hàng ngày… Đồng thời, các dịp ăn uống cỗ bàn ngày nay cũng dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều, ngày xưa quanh năm đói kém, khó khăn, chờ "ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà" nhưng ngày nay không còn như vậy nữa. Vì thế, nếu không biến Tết thành dịp lễ bái, biếu xén, tụ tập nhậu nhẹt… mà Tết là dịp gia đình đoàn viên, sum vầy, mọi người cầu chúc, mong mỏi cho nhau những điều tốt đẹp… thì áp lực với Tết sẽ nhẹ bớt, lúc đó chúng ta có thể dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, sống chậm hơn, nhẹ nhàng tận hưởng Tết đến xuân về theo đúng nghĩa.
Cảm ơn những chia sẻ của bà!