Tây Ninh - Bình Phước: “Một cung đường - Hai điểm đến”
05/03/2024 | 11:09Ngoài liên kết giữa các cơ quan Nhà nước, những đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch cũng đã được chính quyền địa phương hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước kết nối, tạo sự liên kết cộng đồng các doanh nghiệp.
Điểm khởi đầu của tour là tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen. Tại đây, sau khi đến với nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới, trải nghiệm cảm giác mới lạ, thích thú với phong cách kiến trúc đậm chất châu Âu cổ điển của nhà ga Vân Sơn, du khách được chiêm ngưỡng tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn uy nghiêm, cao 72m, được đúc từ hơn 170 tấn đồng đỏ với nét mặt từ bi, bác ái mang lại cảm giác bình yên, thanh tịnh cho từng du khách. Mọi người còn có thể đến chiêm bái tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn bậc nhất thế giới và cầu nguyện những điều tốt lành cho năm mới.
Sau khi thưởng thức bữa tiệc buffet trên đỉnh Bà Đen với thực đơn phong phú, nhiều món ăn đặc sắc mang hương vị truyền thống lẫn hiện đại, du khách Bình Phước sẽ đến chiêm ngưỡng Toà thánh Cao Đài Tây Ninh và tham quan, bái phật tại ngôi cổ tự hơn 100 năm tuổi Thiền Lâm - Gò Kén.
Chị Hoàng Thị Lan, công nhân của Nông trường Đa Kia (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) cho biết, đây là chuyến đi do công ty tổ chức cho chị em công nhân nông trường, nhờ đó, lần đầu tiên chị được đặt chân đến vùng đất Tây Ninh.
“Tây Ninh, mình nghe nhiều nhưng không hình dung được những điểm đến sẽ đẹp và hoành tráng như thế này, thật sự quá thích. Các công trình đều kỳ vĩ, quá sức tưởng tượng. Mình hy vọng sẽ có dịp quay lại Tây Ninh. Đi về rồi nhưng chắc lúc nào cũng nhớ về Tây Ninh”- chị Lan cười tươi, chia sẻ.
Ông Lương Văn Lư, đến từ Công ty Cao su Phú Riềng cho biết, đã từng đến Tây Ninh cách đây khoảng 7-8 năm, lần này quay lại, ông thật sự ngỡ ngàng trước những thay đổi của Tây Ninh- từ đường sá đến các công trình kiến trúc xây dựng.
Ông nói: “Hồi trước tôi đến đây, không gian, công trình xây dựng đều không được như bây giờ. Cảnh quan hiện nay phải nói là tuyệt vời, nhất là những tượng Phật rất hoành tráng. Chuyến du lịch thật sự giúp chúng tôi hiểu nhiều hơn về Tây Ninh và ngưỡng mộ sự phát triển của vùng đất này”.
Ngoài liên kết giữa các cơ quan Nhà nước, những đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch cũng đã được chính quyền địa phương hai tỉnh kết nối, tạo sự liên kết cộng đồng các doanh nghiệp. Với vai trò là đơn vị lữ hành, Sacotravel đã không ngừng xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng phục vụ du khách từng vùng, từng địa phương; cùng với ngành du lịch hai tỉnh Tây Ninh, Bình Phước triển khai các tour du lịch qua lại giữa các địa phương thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Trường Vũ- Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Saco chi nhánh Tây Ninh, hiện Saco có các tour du lịch từ một đến ba ngày ở Tây Ninh đến Bình Phước, như xuất phát từ Tây Ninh đi Đồng Xoài, đến với các khu du lịch Bà Rá, Mỹ Lệ, Bù Gia Mập. Hướng ngược lại từ Bình Phước, Du lịch Saco đã đầu tư dòng xe limousine 29, 45 chỗ để đưa đón khách đi đến Tây Ninh với nhiều chương trình khám phá các điểm du lịch tâm linh như núi Bà Đen, Toà thánh, chùa Gò Kén và đang phát triển những tour nghỉ dưỡng ở lại kết hợp với các khách sạn 4-5 sao.
“Triển khai các kế hoạch để phát triển “Một cung đường - Hai điểm đến”, chúng tôi đã đầu tư hệ thống nhà xe limousine từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Ninh và từ Thành phố Hồ Chí Minh đi đến các khu vực Bình Dương, Bình Phước, kết nối với Tây Ninh và ngược lại, đáp ứng nhu cầu của du khách”- ông Nguyễn Trường Vũ nói.
Theo ông Nguyễn Văn Oai- Phó Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước), việc kết nối du lịch giữa hai tỉnh mở ra hướng đi mới cho thị trường khách du lịch Bình Phước và Tây Ninh: “Chúng tôi cho rằng, đây là kênh kết nối rất hữu hiệu để khai thác thị trường du lịch của hai tỉnh. Để đẩy mạnh công tác kết nối, về phía Nhà nước, chúng tôi mong rằng, lãnh đạo của hai địa phương sẽ mở ra các chính sách mới đối với các công ty du lịch- nhất là những đơn vị lữ hành".
Ông Oai cũng cho rằng, để giữ chân được du khách ở lại, cần phát triển kinh tế ban đêm. Hiện nay, hoạt động du lịch về đêm còn khá đơn lẻ, chưa thành hệ thống, thành chuỗi để các doanh nghiệp lữ hành biết và khai thác hiệu quả hơn: "Nếu có những hoạt động vui chơi, giải trí về đêm sẽ giúp giữ chân du khách lại, đến hôm sau, chúng ta sẽ có những chương trình trải nghiệm xa hơn núi Bà Đen. Tôi nghĩ với tour 2 ngày 1 đêm đưa du khách từ Bình Phước sang Tây Ninh hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng việc này".
Thời gian qua, Tây Ninh và Bình Phước đã tổ chức nhiều buổi giao lưu nghiên cứu những giá trị văn hoá, các điểm đến đặc sắc của hai tỉnh. Sắp tới, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch hai tỉnh sẽ tiếp tục giao lưu, trao đổi các giá trị văn hoá phi vật thể, cũng như bổ sung những sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng để hai địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch.
Sáng 02/3, tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh đón đoàn khách đầu tiên trong chương trình kết nối du lịch Bình Phước với Tây Ninh “Một cung đường - Hai điểm đến” đến tham quan núi Bà Đen và các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tặng hoa chúc mừng đoàn du khách của Bình Phước; bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp du lịch của hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước- nhất là các công ty lữ hành, sau chuyến đi này sẽ tăng cường kết nối, xây dựng các tour, tuyến cụ thể, thúc đẩy sự phát triển du lịch của hai địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm liên kết vùng cũng như khu vực. |
Theo Báo Tây Ninh