Tạo thêm cơ hội cho các nhà làm phim trẻ
06/07/2021 | 08:52Với đặc trưng của nghề “học đi đôi với hành”, những bạn trẻ theo đuổi đam mê điện ảnh luôn khao khát có cơ hội để được làm phim, biến ý tưởng của mình thành tác phẩm thực sự. Việc tạo ra những sân chơi cho các nhà làm phim trẻ cũng chính là bước quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực điện ảnh chất lượng cao, bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp này.
Dự án thú vị
Sau hơn một tháng tuyển sinh, Dự án phim ngắn CJ mùa 3 do CJ Cultural Foundation và CJ CGV Việt Nam (CGV) tổ chức vừa công bố danh sách 14 dự án xuất sắc chính thức bước vào vòng “Thuyết trình ý tưởng” với hội đồng thẩm định. Thời gian qua, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song dự án này vẫn được triển khai, thu hút rất nhiều nhà làm phim với 298 bài dự thi, cho thấy niềm đam mê với điện ảnh của các nhà làm phim trẻ.
Dự án phim ngắn CJ do CJ Cultural Foundation và CGV Việt Nam phối hợp thực hiện, bắt đầu từ năm 2018 nhằm tìm kiếm, nuôi dưỡng các tài năng điện ảnh trẻ, tài trợ ngân sách làm phim lên đến 1,5 tỷ đồng và hỗ trợ kinh phí đưa tác phẩm hoàn chỉnh tham dự liên hoan phim (LHP) quốc tế uy tín. Được khởi xướng từ năm 2018, các phim ngắn được thực hiện trong khuôn khổ dự án đã tham gia trình chiếu và tranh giải tại hơn 50 LHP quốc tế, trong đó phải kể đến những LHP hàng đầu như Cannes (Pháp), Berlin (Đức), Venice (Italia), Busan (Hàn Quốc), Locarno (Thụy Sĩ)...
Đặc biệt, phim ngắn “Một khu đất tốt” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân (mùa 1) đã được lựa chọn tranh giải tại LHP Berlin 2019 (Đức), tác phẩm “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân (mùa 1) xuất sắc đoạt giải Illy tại Tuần lễ đạo diễn nằm trong khuôn khổ LHP Cannes 2019 (Pháp) và bộ phim “Mây nhưng không mưa” của hai đạo diễn Vũ Minh Nghĩa, Phạm Hoàng Minh Thy (mùa 2) lọt top 12 phim ngắn tranh giải thưởng hạng mục Orizzonti Short tại LHP Venice 2020. Bên cạnh đó, các phim ngắn “Ngọt, mặn” của đạo diễn Dư Diệu Linh (mùa 1) và “Bình” của đạo diễn Phạm Quốc Dũng (mùa 2) đã có buổi công chiếu thế giới (World Premiere) và tranh giải hạng mục phim ngắn Wide Angle tại LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc) vào năm 2019 và 2020.
Đồng hành với Dự án ngay từ mùa đầu, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết: “Sau 2 năm, những kết quả mà Dự án phim ngắn CJ đạt được quả thật rất đáng tự hào. Các phim được chọn để đầu tư sản xuất lần lượt được giới thiệu và đoạt giải tại các LHP quan trọng nhất của thế giới. Kết quả này rõ ràng đã tạo ra uy tín cho bản thân dự án cũng như gây cảm hứng lớn cho cộng đồng làm phim, đặc biệt là phim nghệ thuật tại Việt Nam”.
Cần thêm nhiều sân chơi
Không như các ngành nghệ thuật khác, điện ảnh là “cuộc chơi” vô cùng tốn kém, chính vì vậy, có cơ hội làm phim thực sự là ước mơ của tất cả các nhà làm phim trẻ. Theo ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hàng ngàn bạn trẻ đang cần một sân chơi để rèn luyện tài năng và cũng để viết tiếp giấc mơ điện ảnh của mình.
Là một nhà làm phim độc lập, Trần Thanh Huy hiểu rõ hơn ai hết những vất vả khi tìm kiếm cơ hội làm phim. Bản thân anh đã nỗ lực suốt 8 năm trời mới có thể đưa phim “Ròm” ra rạp. Anh chia sẻ: “Là một nhà làm phim độc lập, trải qua các giai đoạn khó khăn khi chập chững chạm ngõ điện ảnh nên tôi hiểu việc làm phim phải vượt qua thử thách như thế nào”. Còn đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh khẳng định: “Với sự hỗ trợ thiết thực về mặt tài chính cũng như chuyên môn, tôi nghĩ các tài năng điện ảnh có thể vươn xa hơn, định vị điện ảnh Việt trên bản đồ thế giới”.
Rõ ràng, sự hỗ trợ về tài chính ở bước khởi đầu, cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn từ những nhà làm phim có kinh nghiệm là điều kiện cần để có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ. Hiện nay, ngoài Dự án phim ngắn CJ, các bạn trẻ yêu điện ảnh cũng thường xuyên tìm đến với các hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam (TPD), sân chơi “Gặp gỡ mùa thu”... Và, có một điều mà người làm điện ảnh đặc biệt kỳ vọng nhưng vẫn đang ở quá trình bàn thảo, đó là sự hiện diện của Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Ở nhiều nước trên thế giới, Quỹ hỗ trợ điện ảnh là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy điện ảnh phát triển, là “bà đỡ” cho rất nhiều nhà làm phim trẻ, dự án phim độc lập.