Tăng sức hút với du khách từ các sự kiện, lễ hội đặc sắc
09/04/2024 | 16:06Nói đến sản phẩm du lịch, không thể không nhắc đến các sản phẩm từ lễ hội truyền thống và lễ hội mới, gắn với phát triển kinh tế, nét văn hóa đặc trưng từng địa phương. Phát huy giá trị, khẳng định bản sắc, gia tăng hoạt động trải nghiệm từ các sự kiện, lễ hội là hướng đi nhiều địa phương triển khai, từ đó, quảng bá thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời tạo điểm nhấn cho hoạt động du lịch.
Tạo điểm nhấn, dấu ấn riêng
Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm, cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội các loại, thể hiện sự đa dạng, phong phú, mang tính chất riêng biệt của mỗi dân tộc, vùng, miền, yếu tố địa lý, lịch sử… Bên cạnh hoạt động văn hóa, tâm linh, nhiều lễ hội trở thành hoạt động, sản phẩm du lịch, mang lại sinh kế, thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài lễ hội truyền thống còn có nhiều lễ hội mới được tổ chức dựa trên thế mạnh đặc thù phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương như, lễ hội trái cây, lễ hội cá tra, lễ hội dừa, lễ hội hoa, lễ hội quà tặng…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hằng năm, có nhiều lễ hội truyền thống và lễ hội mới được tổ chức, thể hiện rõ nét văn hóa đặc trưng của vùng đất có lịch sử trên 300 năm hình thành, phát triển. Bên cạnh ý nghĩa về bảo tồn di sản, quảng bá văn hóa, các sự kiện, lễ hội trở thành sản phẩm du lịch ấn tượng, thu hút du khách. Đơn cử, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là lễ hội truyền thống của ngư dân huyện đảo Cần Giờ, đã có hơn 100 năm nay. Hằng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 14 - 16/8 âm lịch gắn với nhiều nghi thức tâm linh. Trong khuôn khổ lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian diễn ra sôi động, thu hút hàng chục nghìn người dân, du khách tham gia.
Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều lễ hội mới được tổ chức gắn với nét văn hóa đặc trưng của đô thị sông nước sống động, giàu bản sắc như, lễ hội Áo dài, lễ hội sông nước, lễ hội chợ hoa Xuân trên bến dưới thuyền… Tất cả sự kiện này trở thành điểm hẹn ấn tượng của người dân và du khách.
Đề cập Lễ hội chợ hoa Xuân trên bến dưới thuyền, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bến Bình Đông bên dòng kênh Tàu Hủ từng là trung tâm buôn bán nhộn nhịp nhất nhì Sài Gòn - Chợ Lớn trước đây. Dần về sau, kênh Tàu Hủ không còn là trục đường huyết mạch vận chuyển nông sản, bến Bình Đông không còn tấp nập như xưa, song nơi đây vẫn là điểm đến, nơi neo đậu của nhiều con thuyền từ miền Tây Nam Bộ mang hàng hóa đến đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.
Khôi phục các hoạt động giao thương hàng hóa, tái hiện khu vực kinh doanh sầm uất tại bến Bình Đông, từ năm 2013, Lễ hội chợ hoa Xuân trên bến dưới thuyền được UBND Quận 8 tổ chức hằng năm, tạo địa điểm cho thương nhân, nghệ nhân, chủ vườn đến trưng bày, kinh doanh hoa kiểng, trái cây, biểu diễn đờn ca tài tử trên ghe bầu, duy trì nét văn hóa đặc trưng riêng có giữa lòng đô thị, thu hút khoảng trên 3 triệu lượt người dân và du khách đến tham quan, mua sắm trong mỗi kỳ lễ hội.
Cùng ở Nam Bộ, thành phố trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long Cần Thơ có nhiều sự kiện, lễ hội được tổ chức, thu hút du khách. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ Đào Thị Thanh Thúy cho biết, một trong những lễ hội tạo dấu ấn rõ nét của thành phố trung tâm vùng với nét văn hóa ẩm thực đặc sắc là Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, diễn ra dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và thưởng thức các loại bánh dân gian độc đáo từ vùng đất Nam Bộ.
Đây là dịp giới thiệu giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của người dân Nam Bộ. Đồng thời, tạo cơ hội thúc đẩy các ngành chế biến, sản xuất bánh dân gian truyền thống ngày càng phát triển, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm văn hóa ẩm thực Nam Bộ, từng bước xây dựng thương hiệu bánh dân gian Nam Bộ trở thành thương hiệu quốc gia.
Tăng bản sắc, giàu trải nghiệm
Nhìn nhận từ góc độ phát triển du lịch, vấn đề đặt ra đối với lễ hội truyền thống cũng như các lễ hội mới được các địa phương tổ chức những năm gần đây là làm thế nào để các lễ hội tránh sự trùng lặp, thiếu dấu ấn riêng. Các lễ hội cần thể hiện ngày càng rõ nét bản sắc văn hóa địa phương, vùng, miền. Cùng với đó, tại mỗi sự kiện, lễ hội, hoạt động trải nghiệm, tương tác, cộng hưởng tích cực, lan tỏa giá trị văn hóa đến người dân và du khách được chú trọng hơn.
Một trong những định hướng phát triển của Du lịch Việt Nam là phát triển sản phẩm dựa trên lợi thế nổi trội về thiên nhiên và văn hóa từng vùng, địa phương, đặc biệt giá trị về văn hóa, bản sắc dân tộc, phát triển, làm mới sản phẩm du lịch chủ lực, trong đó có sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ Đào Thị Thanh Thúy cho rằng, tổ chức lễ hội hiệu quả, để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa vùng miền mà còn đóng góp hiệu quả phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương,
Kỳ vọng tăng sức hút từ các hoạt động mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa của lễ hội, năm nay, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ dự kiến tổ chức từ ngày 17 - 21/4, tại thành phố Cần Thơ với nhiều điểm mới theo hướng đặc sắc hơn, phong phú hoạt động trải nghiệm.
Dự kiến, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2024 sẽ có hoạt động dâng bánh dân gian nhân Giỗ Tổ Hùng Vương, trên 200 gian hàng giới thiệu đến người dân, du khách các loại bánh dân gian. Cũng tại lễ hội, du khách có thể tham dự hoạt động đổ bánh xèo khổng lồ hay tái hiện nghề làm bánh tráng Thuận Hưng - nghề truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hội thi làm các loại bánh dân gian, chương trình biểu diễn nghệ thuật đậm chất Nam Bộ.
Cũng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ nhất diễn ra vào năm 2022 từng tạo nhiều hiệu ứng tích cực, thu hút trên 100.000 lượt khách, trở thành điểm nhấn ấn tượng của du lịch đất sen Hồng.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 chủ đề "Rạng ngời sắc Sen” diễn ra từ ngày 16 - 19/5, tại thành phố Cao Lãnh, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ hội gồm chuỗi hoạt động hấp dẫn như, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024), hội thảo phát triển công nghiệp chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại và nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng sen, giới thiệu lô hàng sen đầu tiên xuất khẩu sang Nhật, hội chợ Công Thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024… Cùng với đó là loạt hoạt động trải nghiệm, trưng bày, triển lãm, hội thi văn hóa, nghệ thuật sẽ được tổ chức, trong đó, chú trọng không gian, hoạt động để du khách, người dân tương tác, trải nghiệm với những đóa sen hồng Đồng Tháp một cách chân thực, đặc sắc nhất...
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương này khẳng định, lễ hội là một trong những hoạt động cụ thể, hiện thực hóa Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030. Đồng thời, lễ hội tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế cho sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp, thúc đẩy ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo dựa trên điều kiện kinh tế đặc thù, lợi thế, giá trị văn hóa, lịch sử, con người và tài nguyên thiên nhiên của địa phương.