Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tăng sức hút cho du lịch nội địa - Bài 1: Nhân tố chủ lực trong sự phục hồi của du lịch Việt Nam

28/07/2024 | 09:00

Những năm qua, trước những biến động khác nhau của tình hình trong nước và quốc tế, thị trường du lịch nội địa luôn đóng vai trò quan trọng, trở thành nhân tố chủ lực trong sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. Với mục tiêu phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa trong năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp để đạt và vượt con số này.

Du lịch phục hồi mạnh mẽ

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ khoảng 66,5 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đã đạt và vượt 50% mục tiêu đề ra của năm. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách quốc tế đã tăng gần 60%, khách nội địa tăng 2,5 triệu lượt. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm ngoái tổng thu từ du lịch đạt được là 343.100 tỷ đồng thì 6 tháng năm nay con số đã lên đến 436.500 tỷ đồng. Con số này cao hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2019 trước dịch Covid-19 ở mức 338.200 tỷ đồng.

Tăng sức hút cho du lịch nội địa - Bài 1: Nhân tố chủ lực trong sự phục hồi của du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan dịp Tết Nguyên đán 2024.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, du lịch được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh, đứng ở vị trí thứ 4 trong 11 kết quả nổi bật.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, kết quả tăng trưởng về lượng khách trong 6 tháng đầu năm 2024 chính là những con số biết nói, thể hiện sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch. Nhiều giải thưởng quốc tế uy tín dành cho du lịch Việt Nam là minh chứng cho sự cải thiện về chất lượng dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch của Việt Nam.

Lượng khách du lịch tăng cao, các chính sách du lịch thông thoáng, các sự kiện du lịch quy mô lớn đã góp phần quan trọng làm "sống dậy" du lịch sau đại dịch Covid-19 với những kết quả hết sức nổi bật.

Điểm sáng du lịch nội địa

Trong những kết quả nổi bật của ngành du lịch thời gian qua, có thể thấy du lịch nội địa đóng vai trò rất quan trọng. 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch trong nước liên tục tăng qua từng tháng, riêng trong tháng 6, có 14 triệu người Việt đi du lịch trong nước.

Đón đầu mùa cao điểm du lịch nội địa, từ tháng 4, Bộ VHTTDL đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa mang tên "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu". Chương trình được rất nhiều địa phương, doanh nghiệp trong cả nước hưởng ứng với những kết quả tích cực.

Trong đó, với Hà Nội, trong chương trình tổng thể kích cầu du lịch nội địa và quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình mới "Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội". Hoạt động giúp tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu của hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn, đồng thời tăng tỷ lệ công suất sử dụng phòng.

Các khách sạn 4-5 sao Hà Nội tung ra các gói sản phẩm có chính sách ưu đãi về giá nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu thu hút khách đến trải nghiệm này. Đặc biệt, hàng loạt chương trình khảo sát của thành phố đã giúp kết nối điểm đến du lịch quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các di sản-di tích ở huyện Đan Phượng, huyện Sóc Sơn; triển khai mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện Sóc Sơn, Phúc Thọ và Quốc Oai. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến ven sông Hồng, sông Đuống…

Tăng sức hút cho du lịch nội địa - Bài 1: Nhân tố chủ lực trong sự phục hồi của du lịch Việt Nam - Ảnh 2.

Hưởng ứng cùng Sở Du lịch Hà Nội, nhiều khách sạn tiêu chuẩn 4 sao và 5 sao tại Hà Nội xây dựng chương trình ưu đãi, kích cầu thu hút khách du lịch, đặc biệt là người dân sinh sống tại Thủ đô - Ảnh: Pan Pacific Hà Nội

Nhờ những nỗ lực thu hút khách du lịch, trong 6 tháng đầu năm, du lịch Hà Nội đón được 14,05 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Đà Nẵng, cuối tháng 6 vừa qua, Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức giới thiệu chương trình "Kích cầu du lịch mùa hè Đà Nẵng 2024" nhằm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới và các gói combo đặc biệt hấp dẫn dành cho du khách, thu hút du khách các địa phương trong cả nước đến với Đà Nẵng.

Trong dịp này, thành phố cũng đưa vào phục vụ khách nhiều sản phẩm mới như phố đi bộ Bạch Đằng, công viên Bờ đông Nguyễn Văn Trỗi và cầu Nguyễn Văn Trỗi, đường hoa biển, tổ hợp vui chơi giải trí Danang Downtown… và tổ chức hơn 15 sự kiện đặc sắc với điểm nhấn là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng (từ 17 đến 21/7).

Tại Kiên Giang, nơi có đảo ngọc Phú Quốc, theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh này, sáu tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ước đón hơn 5,4 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 13.394 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hải Châu, Tổng Thư ký Hội Đầu tư, phát triển du lịch Phú Quốc, tuy du lịch phục hồi, nhưng phát triển trong xu thế bất cập, chưa thật sự ổn định và bền vững do ảnh hưởng tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn, thiên tai... xảy ra ở một số nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Khó khăn nhất đối với du lịch Phú Quốc là đường bay nội địa và giá vé máy bay khá cao.

Để du lịch Phú Quốc nói riêng, du lịch tỉnh Kiên Giang nói chung khởi sắc hơn, ngoài khách quốc tế, các doanh nghiệp du lịch tại Kiên Giang đang đưa ra các giải pháp kích cầu du lịch nội địa, những chính sách như: Combo giá vé máy bay, giá phòng nghỉ ổn định, không áp dụng chính sách phụ thu; ưu đãi, tặng dịch vụ tiện ích, giảm giá dịch vụ giải trí. Phú Quốc tiếp tục liên kết, hợp tác với các vùng, miền phát triển tour, tuyến du lịch chất lượng phục vụ, thu hút khách du lịch.

Tăng sức hút cho du lịch nội địa - Bài 1: Nhân tố chủ lực trong sự phục hồi của du lịch Việt Nam - Ảnh 3.

Du khách xem bắn pháo hoa tại Phú Quốc.

Các địa phương khác như Ninh Bình cũng tổ chức các sự kiện như Tuần lễ Du lịch Ninh Bình, hay Phú Thọ đề nghị UBND các huyện, thị, thành, ban quản lý các khu du lịch chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư hưởng ứng Chương trình "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu"; tăng cường quảng bá điểm đến tham quan du lịch, chương trình du lịch mới, gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thực tế thời gian qua, trước những biến động khác nhau của tình hình trong nước và quốc tế, thị trường du lịch nội địa đóng vai trò quan trọng, trở thành nhân tố chủ lực trong sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. Hiện nay trong bối cảnh giá vé máy bay vẫn ở mức cao, là thời điểm thích hợp để chương trình "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" được hưởng ứng mạnh mẽ hơn nữa trên cả nước.

>>> Bài 2: Đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, không phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay

Đăng Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×