Tầm quan trọng của phát triển thể thao học đường
15/01/2025 | 09:59Trong chiến lược phát triển giáo dục toàn diện, thể thao học đường ngày càng khẳng định vai trò cốt lõi, không chỉ giúp học sinh rèn luyện sức khỏe mà còn góp phần xây dựng lối sống lành mạnh và phát triển kỹ năng.
Hoạt động thể thao đóng vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong giai đoạn hình thành và hoàn thiện nhân cách. Không chỉ tăng cường sức khỏe, thể thao còn góp phần phát triển trí tuệ và xây dựng nhân cách. Sự nỗ lực khi tham gia các hoạt động thể thao học đường giúp rèn luyện đạo đức một cách tự nhiên như rèn luyện ý chí, tinh thần tập thể, tính nhẫn nại và kiên trì, ý thức kỷ luật…
Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thực hiện các chiến lược, đề án dài hạn như Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 theo Quyết định số 641/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”, “Đề án Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Thể thao học đường là một trọng tâm cần được phát triển trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục. Việc gắn kết giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ và kỹ năng sống với giáo dục thể chất đã trở thành ưu tiên quan trọng nhằm nâng cao tầm vóc và giá trị con người Việt Nam. Giáo dục đào tạo phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển học sinh cả về Đức - Trí - Thể - Mỹ.
Năm 2024, Hội khỏe Phù Đổng lần thứ X được tổ chức sau 8 năm gián đoạn, đánh dấu kỳ Hội khỏe quy mô, đáng nhớ và tự hào nhất với 20.000 vận động viên học sinh và cán bộ của 63 tỉnh, thành phố tham gia tranh tài ở 15 môn thể thao.
Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 đã thành công tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích và lý thú cho học sinh, nơi các em vượt qua những giới hạn của bản thân, vươn tới tinh thần thể thao cao thượng. Đây cũng là dịp để lan tỏa phong trào tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh và phát triển thể thao trên toàn quốc.
Nhìn sang những quốc gia phát triển trong khu vực, trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của thể thao học đường trong việc xây dựng nền tảng cho các vận động viên chuyên nghiệp.
Tại đó, nhiều trường trung học và đại học không chỉ là nơi đào tạo kiến thức mà còn là "cái nôi" ươm mầm những tài năng thể thao, đóng góp đáng kể vào thành công của quốc gia trên các đấu trường quốc tế với hệ thống thể thao học đường được tổ chức bài bản, từ cơ sở vật chất hiện đại đến chương trình huấn luyện chuyên sâu. Đó là nguyên do vì sao phát triển thể thao học đường là một trong những chuẩn mực để đánh giá nền giáo dục của quốc gia.
Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 mới đây là “liều thuốc thử" hữu hiệu để đánh giá công tác thể thao học đường đồng thời là dịp để thế hệ trẻ có cơ hội giao lưu, học hỏi, hội nhập sâu rộng với các nền giáo dục khác nhau.
“Đây là dịp để đánh giá toàn diện về thực trạng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, sự kiện này còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao và du lịch; góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ta với nhân dân các nước ASEAN”, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban tổ chức Đại hội chia sẻ.
Để thể thao học đường thực sự phát triển cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc nâng cao nhận thức và đầu tư lâu dài. Đây chính là bước đi quan trọng để khẳng định vai trò của thể thao trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và nuôi dưỡng một thế hệ trẻ Việt Nam toàn diện.