Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tái hiện và bảo tồn các di sản truyền thống: Hãy để người dân làm chủ!

19/04/2023 | 08:49

Việc đặt đồng bào dân tộc thiểu số vào vị trí làm chủ các hoạt động văn hóa vừa giúp giảm tải áp lực cho chính quyền, vừa nâng cao trách nhiệm của cộng đồng này trong bảo tồn và phát huy di sản.

Tái hiện và bảo tồn các di sản truyền thống: Hãy để người dân làm chủ! - Ảnh 1.

Các hoạt động tổ chức, phục dựng và tái hiện lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu cần có sự tham gia và làm chủ của chính cộng đồng này. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Phục dựng, tái hiện các lễ hội hay nghi thức truyền thống là một trong những cách thức hữu hiệu để bảo tồn cũng như quảng bá văn hóa. Việc này đặc biệt quan trọng khi ở Việt Nam, giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc được coi là nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Chính vì vậy, việc phục dựng sao để truyền tải được đúng giá trị thì mới thực sự có ý nghĩa về bảo tồn di sản. Nhân Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), vai trò làm chủ trong các lễ hội, nghi thức hay hoạt động tái hiện giá trị truyền thống của đồng bào thiểu số một lần nữa được “xới xáo,” làm rõ để người dân thực sự là “linh hồn” của các “bữa tiệc” văn hóa đầy màu sắc.

Khi người dân không “mặn mà” với lễ hội truyền thống

Năm 2019, Viện Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) thực hiện dự án phục dựng lễ hội Kông Lơng Khơng của người dân tộc Ba Na tại xã Kông Lơng Khơng, huyện KBang, tỉnh Gia Lai.

Theo Thạc sỹ Cao Trung Vinh – một trong các chuyên gia của dự án, dù đây là một lễ hội lâu đời, được chính quyền duy trì tổ chức liên tục kể từ năm 2005, nhưng hoạt động này không được cộng đồng người dân tộc thiểu số đặc biệt hưởng ứng. Nguyên nhân là họ tỏ ra thụ động trong lễ hội, chỉ giống như khách mời trong sự kiện.

“Người dân chỉ được chính quyền địa phương mời tham dự các hoạt động trong lễ hội như rước, chơi cồng chiêng. Việc này khiến tinh thần của cộng đồng người Ba Na khá rệu rạo, còn chính quyền xã cũng thừa nhận họ cảm thấy mệt mỏi khi phải triển khai lễ hội trong khi không có đủ nhân lực và nguồn lực,” ông Vinh nói.

Tái hiện và bảo tồn các di sản truyền thống: Hãy để người dân làm chủ! - Ảnh 2.

Các hoạt động tái hiện nghi lễ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) đều được chính các nhóm đồng bào thiểu số thực hiện. (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)

Theo ông Vinh, nguyên nhân nằm ở việc chính quyền đứng ra tổ chức đã lược bỏ rất nhiều phần lễ mà chỉ tập trung vào phần hội (biểu diễn cồng chiêng trên sân khấu). Sự mai một về văn hóa truyền thống cũng làm giảm số lượng các đoàn cồng chiêng. Vào thời điểm 2015-2016, khi đoàn nghiên cứu của VICAS thực hiện khảo sát thì xã chỉ còn 6 đoàn, trong khi con số năm 2005 là 11 đoàn.

Sau khi nhận được sự đồng thuận của chính quyền, nhóm nghiên cứu của VICAS đã làm việc với cộng đồng người dân, cùng tìm hiểu, bàn bạc về các vấn đề như thống nhất tên gọi lễ hội, xác định các giá trị truyền thống qua từng nghi lễ, hoạt động, cùng xây dựng kịch bản chương trình... Qua đó, đồng bào dân tộc Ba Na cho biết họ muốn làm chủ trong việc tổ chức các lễ hội của dân tộc mình.

Trong chia sẻ của Giáo sư Tiến sỹ Bùi Quang Thanh tại diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước” (diễn ra ngày 15/4 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam vừa qua), ông nhận định cộng đồng người dân tộc thiểu số nên được trao quyền tự chủ, cụ thể là quyền được phục dựng các di tích văn hóa-tâm linh của chính họ.

Giáo sư Tiến sỹ Bùi Quang Thanh lấy ví dụ tại Quảng Nam. Trong quá khứ, chính quyền các cấp tổ chức phục dựng hơn 160 nhà Gươl cho đồng bào dân tộc Cơ Tu, trong số đó đa phần được làm bằng hình thức bê-tông hóa, giả gỗ.

Kết quả là những nhà Gươl do chính quyền dựng ra hầu hết không thu hút được người dân đến tham dự, sinh hoạt, dù các bản làng vẫn đang có nhu cầu cấp bách về địa điểm sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng.

Nguyên nhân là vì đối với họ, đây không phải những không gian thiêng. “Với cộng đồng các dân tộc, để có không gian thiêng, họ không đơn thuần chỉ chú ý đến sự cung cấp vật liệu, cung cấp kinh phí và thợ lành nghề đến xây dựng. Những vật liệu đó phải được chính người dân thực hiện các nghi lễ chọn lựa vật liệu, chính bàn tay họ đục đẽo, xây cất, phải được dựng theo nghi thức, lề lối phong tục tập quán bản địa, có như vậy, theo tâm thức người dân, nơi đây mới trở thành nơi/không gian thiêng, đáp ứng tiêu chí tâm linh đón Giàng về ngự trị để phù trợ cộng đồng khỏe mạnh và làm ăn phát đạt,” ông Thanh cho hay.

Cần nâng cao vai trò của đồng bào thiểu số 

Theo giới chuyên môn, đồng bào dân tộc thiểu số cần được đặt vào vị trí trung tâm, làm chủ các hoạt động văn hóa của mình. Việc này vừa giúp giảm tải áp lực cho chính quyền, vừa nâng cao vai trò của người dân tộc thiểu số và trách nhiệm của họ với các giá trị văn hóa của mình.

Theo Thạc sỹ Cao Trung Vinh, sau 3 năm từ 2019-2023 (ngoại trừ 2021 bị gián đoạn vì dịch COVID-19), việc để cộng đồng tự thực hiện tổ chức lễ hội Kông Lơng Khơng tại huyện KBang đã phát huy hiệu quả.

Từ thực tế này, ông Vinh cho rằng nhiệm vụ thực hiện lễ hội truyền thống cho đồng bào dân tộc nên được chính quyền chuyển giao lại cho chính cộng đồng thiểu số thực hiện, bởi họ mới là chủ thể thực sự của lễ hội. Cũng theo ông, người làm quản lý văn hóa cần chú trọng xây dựng ý thức chủ động cho người dân, ý thức làm chủ lễ hội và hoạt động văn hóa của dân tộc mình, thay vì “ôm đồm” thực hiện tất cả.

“Từ trước đến nay, các nhà quản lý đã quen với tư duy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là thuộc Nhà nước và do Nhà nước quản lý. Chính điều này đã khiến công tác quản lý trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn,” ông Vinh nói.

Thống kê cho thấy Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội. Chính quyền và hệ thống quản lý nhà nước không thể đứng ra vận hành hết số lễ hội này, vì thế, người dân - mà đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số - cần nằm vai trò là chủ thể thực hành lễ hội, nhà nước chỉ đứng vai trò quản lý.

Cũng theo ông Vinh, việc chuyển giao này cần có quá trình từ nhận thức đến nghiên cứu, làm việc và đồng hành sát sao của đồng bào thiểu số. Việc lựa chọn, xây dựng mô hình phù hợp cũng cần phải để người dân chủ động, người nghiên cứu và quản lý văn hóa chỉ nên đứng vai trò tư vấn, hỗ trợ.

Tái hiện và bảo tồn các di sản truyền thống: Hãy để người dân làm chủ! - Ảnh 3.

Khi người dân là chủ thể thực hành lễ hội, cơ quan quản lý văn hóa của Nhà nước cần nắm vai trò quản lý, hỗ trợ và giám sát... (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Tiến sỹ Bùi Quang Thanh cũng khẳng định nguyện vọng của người dân là giao cho cộng đồng quyền tự chủ, quyền được phục dựng các di tích văn hóa-tâm linh của chính họ. Tuy nhiên song song với đó, chính quyền vẫn đóng vai trò theo dõi, quản lý và giám sát.

“Có như vậy, sản phẩm văn hóa đó mới nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, được cộng đồng hưởng ứng, tham gia vào mọi sinh hoạt thường nhật,” ông Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, là một người con của dân tộc Dao, Tiến sỹ Văn học dân gian Bàn Thị Quỳnh Giao cũng có chung quan điểm và cho rằng việc tổ chức lễ hội của người dân tộc thiểu số nên được trao lại cho đúng người dân tộc thiểu số. Khi đó, chính quyền các cấp sẽ đứng vai trò hỗ trợ từ bên ngoài, cung cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để thực hiện các lễ hội này.

Bà Quỳnh Giao nói thêm, việc trao nhiệm vụ tự quản lý và thực hiện lễ hội cho người dân tộc thiểu số sẽ giúp đảm bảo tính chính xác về giá trị văn hóa của tộc người. Đây cũng chính là vấn đề cốt lõi của việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa./.

Theo Vietnam+

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×