Tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động và nguồn nhân lực du lịch tại Hưng Yên
17/10/2021 | 17:28Bên cạnh việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, Sở VHTTDL Hưng Yên cũng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn, cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Hưng Yên là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, dày đặc; các lễ hội, làng nghề, loại hình nghệ thuật truyền thống, cùng nhiều đặc sản ẩm thực hấp dẫn. Đây được coi là những giá trị quý báu để Hưng Yên khai thác, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương với những nét độc đáo, riêng biệt, tạo sức hút đối với du khách.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, du lịch Hưng Yên đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động và phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay. Lượt khách và doanh thu từ du lịch đều giảm mạnh so với các năm trước, đặc biệt là khách quốc tế. Điều này khiến dịch vụ lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ du lịch khác cũng bị ảnh hưởng và kéo theo doanh thu du lịch giảm mạnh.
Chỉ tính đến hết tháng 6 năm 2021, lượng khách đến Hưng Yên ước chỉ đạt khoảng 20.100 lượt. Trong đó: khách quốc tế ước đạt 725 lượt; khách nội địa ước đạt 19.375 lượt. Các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, các nhà hàng, dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch tạm dừng hoạt động kinh doanh đã ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ sở và đời sống nhân viên. Một số cơ sở du lịch nhỏ và vừa trong tỉnh đã phải ngưng hoạt động, một số cơ sở khác phải chuyển đổi loại hình kinh doanh hoặc cắt giảm nhân công để đảm bảo duy trì hoạt động. Việc ứng dụng công nghệ trong chuyển - nhận - xử lý văn bản bằng email, zalo, facebook của các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, do các đơn vị thường xuyên có sự thay đổi biến động về nhân sự dẫn đến tình trạng không liền mạch trong việc tiếp cận văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước.
Cơ sở vật chất các khu, điểm, các cơ sở lưu trú du lịch xuống cấp cho nên sẽ khó khăn trong kinh phí sửa chữa sau dịch. Các gói kích cầu du lịch gần như bị đóng băng do số lượng khách hủy tour tăng đột ngột….Các hoạt động về du lịch như: quảng bá xúc tiến, các Hội thảo, Hội nghị, Tập huấn, tham gia Ngày hội du lịch, Hội chợ … gặp nhiều khó khăn do tất cả các hoạt động hiện nay đều phải dừng lại để phòng, chống dịch.
Trước những khó khăn trên, Sở VHTTD đưa ra một số giải pháp tháo gỡ như: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Khuyến khích du khách, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về điểm đến an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phần mềm ứng dụng công nghệ số liên quan.
Tiếp tục tham mưu hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp du lịch theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, tham mưu thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 quy định các chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành du lịch.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến truyền thông quảng bá du lịch Hưng Yên điểm đến an toàn, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện hấp dẫn quy mô lớn để thu hút khách du lịch cũng như tăng cường liên kết hợp tác với các địa phương phát triển du lịch nội địa. Tập trung kích cầu thị trường du lịch nội địa thông qua miễn, giảm có thời hạn giá dịch vụ (lưu trú, giá điện, phí tham quan...). Bên cạnh việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, Sở cũng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn, cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để nâng tầm cho du lịch Hưng Yên, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch cũng như đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, khác lạ để tăng tính hấp dẫn khách du lịch. Quy hoạch các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch, đầu tư xây dựng các khu mua sắm đồ lưu niệm và các sản vật đặc trưng, gắn việc xây dựng sản phẩm OCOP với phát triển du lịch… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mang đặc trưng của vùng quê văn hiến, bao gồm: Du lịch tâm linh gắn với văn minh lúa nước sông Hồng; Tour du lịch văn hóa đường sông Phố Hiến - Đa Hòa - Hà Nội; du lịch cộng đồng trải nghiệm tại các vùng nhãn Phố Hiến; dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tại Ecopark... Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Chú trọng phát triển liên kết hợp tác vùng; liên kết giữa các ngành, địa phương, kết nối giữa dân cư các điểm du lịch với du khách; liên kết hoạt động tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch…