Sơn La: Từng bước chuyển đổi số di sản văn hóa
24/02/2022 | 14:47Bảo tàng tỉnh hiện đang quản lý và bảo quản 23.916 tư liệu hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương và quốc gia, trong đó có 10.920 hiện vật và 12.996 tư liệu phim ảnh, gồm các bộ sưu tập về hiện vật các dân tộc, khảo cổ học, lịch sử - văn hóa; hiện vật kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; sách chữ Thái cổ, chữ Dao cổ; kho di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; hồ sơ tù chính trị. Hằng năm, Bảo tàng tỉnh đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử - văn hóa của tỉnh.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều hoạt động của bảo tàng phải tạm dừng; các hoạt động quảng bá di sản văn hóa, tuyên truyền, giáo dục, trải nghiệm về văn hóa, lịch sử gặp nhiều khó khăn, không tổ chức được theo kế hoạch. Bảo tàng tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá di sản văn hóa, các hiện vật trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần với người xem giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với những tài liệu, hiện vật quý đang lưu giữ mà không cần trực tiếp đến bảo tàng. Trong đó, tăng cường sản xuất các video clip ngắn tái hiện các câu chuyện về văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, các di tích lịch sử, giới thiệu hiện vật trưng bày tại bảo tàng, có thuyết minh sinh động, gần gũi và đăng tải trên các trang website, fanpage.
Với sự đam mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương, em Đào Huyền Trang, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Văn hóa thường xuyên đến Bảo tàng tỉnh tham quan, tìm hiểu mỗi khi có dịp về quê. Trang chia sẻ: Do tình hình dịch bệnh Covid-19, em không thể đến trực tiếp bảo tàng để tham quan, tìm hiểu các hiện vật, tư liệu về văn hóa các dân tộc trong tỉnh nhưng thông qua thư viện tư liệu - hiện vật trên trang website của Bảo tàng, em vẫn có thể tìm hiểu, tra cứu, xem hiện vật dễ dàng để phục vụ công việc học tập.
Bên cạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trưng bày, quảng bá giá trị hiện vật, công tác kiểm kê, quản lý và bảo quản tư liệu hiện vật luôn được Bảo tàng tỉnh coi trọng. Trước đây, việc quản lý, theo dõi hiện vật chỉ dưới hình thức viết tay lý lịch hiện vật. Đến nay, toàn bộ thông tin về tài liệu hiện vật của Bảo tàng tỉnh được cập nhật vào phần mềm quản lý dữ liệu hiện vật do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cung cấp. Qua đó, giúp cán bộ kiểm kê - bảo quản quản lý, khai thác dễ dàng các tài liệu, hiện vật có trong kho bảo quản; tài liệu hiện vật tránh được hư hỏng; công tác nghiên cứu được nhanh chóng, khoa học, chính xác hơn. Từ năm 2020 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã kiểm kê 2.600 tư liệu hiện vật; nhập vào phần mềm 28 lý lịch hiện vật dân tộc học và 156 hồ sơ tù nhân chính trị bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La giai đoạn 1930-1945, với 366 tư liệu gồm 569 trang.
Thực hiện Đề án của Chính phủ về việc chuyển đổi số di sản văn hóa, Bảo tàng tỉnh cũng đã đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số di sản văn hóa trình UBND tỉnh; bước đầu đã tiếp cận với công tác chuyển đổi số di sản văn hóa của tỉnh; đồng thời đang đặt hàng với một số đơn vị xây dựng phần mềm ảo tham quan di tích Nhà tù Sơn La giai đoạn 2021-2023. Từ năm 2020 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện số hóa 900 tư liệu phim ảnh, 280 hồ sơ với 1.453 trang tư liệu, ảnh về hồ sơ tù nhân chính trị bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La giai đoạn 1930-1945; scan, số hóa hồ sơ di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, quốc gia, cấp tỉnh; tư liệu hóa cho 1.000 hiện vật (ảnh chụp, bản vẽ, bản dập, phiếu lý lịch) và số hóa 12 cuộn phim về xây dựng Thủy điện Hòa Bình trên địa bàn tỉnh.
Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Bảo tàng tỉnh sẽ tăng cường đầu tư trang thiết bị đồng bộ phục vụ công tác chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, chủ động thích ứng với dịch bệnh để tiếp tục quản lý, bảo vệ và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động của bảo tàng là hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, đây sẽ là cầu nối để đưa các di sản đang được trưng bày tại bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng; đóng góp tích cực vào trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.