Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sơn La: Sức sống múa dân gian các dân tộc

23/07/2021 | 15:21

Múa dân gian dân tộc có lịch sử hình thành lâu đời và có sức sống bền vững với thời gian. Những điệu múa truyền thống qua bao thế hệ truyền nối, được coi là cội nguồn của nghệ thuật múa, là chất liệu quý giá và trở thành nguồn cảm hứng vô tận đối với các nghệ sĩ, biên đạo múa chuyên nghiệp.

Sơn La: Sức sống múa dân gian các dân tộc - Ảnh 1.

Một tiết mục biểu diễn mang bản sắc dân tộc của Nhà hát ca múa nhạc tỉnh.

Ở Sơn La, mỗi dân tộc lại có một điệu múa truyền thống riêng, dân tộc Thái có múa xòe, nhảy sạp; dân tộc Dao có múa chuông; dân tộc Mông có nhảy tha kềnh; dân tộc Khơ Mú có múa tăng bu,... Múa dân gian là một phần không thể thiếu trong văn hóa đặc trưng của các dân tộc, phản ánh đời sống tinh thần của mỗi cộng đồng người ở từng vùng miền, là câu chuyện về cuộc sống, sản xuất và cả tín ngưỡng của họ. Đến nay, các điệu múa truyền thống vẫn còn giữ nguyên giá trị và trường tồn trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc; được cải biên, phục dựng tại các lễ hội truyền thống, các chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng, các hội diễn nghệ thuật không chuyên.

Với hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng tại các bản, xã, quy tụ đa dạng thành phần tham gia, từ thanh niên, phụ nữ, đến người cao tuổi, đây là nhân tố tích cực góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật múa dân gian trở thành sản phẩm làm phong phú đời sống tinh thần làng bản. Mỗi đội văn nghệ có bản sắc riêng, thổi hồn cho những tiết mục biểu diễn mang âm hưởng văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Đối với các nghệ sĩ, biên đạo múa, thì múa dân gian dân tộc từ lâu đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng sáng tạo cho các tác phẩm nghệ thuật trên sân khấu chuyên nghiệp. Trong đó phải kể đến Nhà hát ca múa nhạc tỉnh, đây là nơi tiếp sức cho múa dân gian dân tộc được phát huy trọn vẹn và thăng hoa với những tác phẩm múa chuyên nghiệp giàu tính nghệ thuật.

Nghệ sĩ ưu tú Trung Hưng, biên đạo múa Nhà hát ca múa nhạc tỉnh, chia sẻ: Múa dân gian các dân tộc được coi là linh hồn trong các tác phẩm biểu diễn chuyên nghiệp của Nhà hát, tạo nên nét đặc trưng riêng có và cũng là thế mạnh của đơn vị mỗi khi tham gia các chương trình, hội diễn toàn quốc. Gần 70 năm hoạt động, Nhà hát chưa bao giờ ngừng phát triển các điệu múa truyền thống mang bản sắc Sơn La. Chất liệu dân gian được khai thác triệt để, tạo nên những nét mới lạ với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố hiện đại với múa dân tộc thành tác phẩm hài hòa, chỉnh thể, truyền tải được ý nghĩa, thông điệp mà người dàn dựng muốn hướng đến, mà không làm mất đi tinh thần dân gian trong đó.

Trước sự phát triển không ngừng của văn hóa thời đại, thị hiếu nghệ thuật của công chúng cũng đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với các tác phẩm biểu diễn trên sân khấu, nhất là với nghệ thuật múa. Những kiểu vũ đạo hiện đại du nhập trở thành xu hướng mới được giới trẻ yêu thích, cũng là nguy cơ khiến múa dân gian dân tộc dần phai nhạt trong cuộc sống. Những tác phẩm múa dân tộc mang tính chất lai tạp, vay mượn ngôn ngữ múa, dàn dựng khiên cưỡng xuất hiện không hiếm trong những buổi biểu diễn từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp.

Nói về vấn đề này, NSƯT Trung Hưng cho biết thêm: Múa dân tộc mang nét thô sơ, nhưng gần gũi, dễ “cảm” đối với đồng bào miền núi. Để phát huy thế mạnh đó, phong cách biên đạo múa của Nhà hát ca múa nhạc tỉnh luôn có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố dân gian và đương đại, trong đó, yếu tố đương đại chiếm khoảng 30% tổng thể tác phẩm. Múa đương đại được coi là “gia vị” giúp múa dân gian dân tộc trở nên sống động hơn và mang hơi thở cuộc sống. Đặc biệt là khi được kết hợp thêm cốt truyện, chủ đề hoặc tính thời sự, sẽ hình thành nên những tác phẩm múa chuyên nghiệp, mang giá trị về nội dung và giàu tính thẩm mỹ về hình thức biểu diễn.

Sơn La: Sức sống múa dân gian các dân tộc - Ảnh 2.

Điệu múa chuông của dân tộc Dao Tiền.

Múa dân gian các dân tộc vốn được coi là nền tảng của nghệ thuật múa nước nhà. Thế nên, những người biên đạo nặng lòng với văn hóa cội nguồn dân tộc luôn biết cách để đưa các điệu múa truyền thống ấy đi lên cùng với nghệ thuật múa đương đại. Chất cổ điển được các nghệ sĩ khéo léo đan xen vào yếu tố hiện đại để tạo tính hợp thời, vừa gìn giữ, vừa phát triển, giúp các điệu múa dân gian các dân tộc luôn có sức sống bền vững trong dòng chảy nghệ thuật thời hiện đại.

Theo Báo Sơn La

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×