Sơn La: Hội thảo khoa học "Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay"
25/11/2020 | 10:57Ngày 24/11, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy phối hợp với Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học "Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay".
Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy; PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, huyện, thành phố của tỉnh và gần 80 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, cán bộ quản lý về văn hóa trong nước.
Những năm qua, công tác bảo vệ và phát huy di sản ở Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu; việc xây dựng, triển khai các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được quan tâm; chính sách tôn vinh và đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sỹ có công truyền dạy, phổ biến di sản văn hóa dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện... Tại tỉnh Sơn La, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa; huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Hiện, toàn tỉnh có 113 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 63 di tích đã được xếp hạng, gồm: 1 di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, 47 di tích quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh; có 7 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 3 hồ sơ đang hoàn thiện để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục. Tỉnh đang phối hợp với các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu, Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia xây dựng hồ sơ nghệ thuật xòe Thái để trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại …
Hội thảo đã nhận được 84 báo cáo tham luận từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ quản lý văn hóa ở Trung ương và địa phương, trong đó có 11 tham luận được trình bày tại Hội thảo, với các nội dung: Bảo tồn di sản văn hóa tộc người dưới góc nhìn của kinh tế du lịch ở Việt Nam hiện nay; Bảo tồn và phát huy âm nhạc các dân tộc Sơn La dưới góc nhìn di sản; “Huyền thoại và tạo dựng huyền thoại trong du lịch”: Quá trình tái cấu trúc biểu tượng nàng Han và thần linh bản địa ở Quỳnh Nhai, Sơn La; Nghiên cứu bảo tồn giá trị văn hóa kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên…
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý văn hóa đã thảo luận và phân tích những thành tựu, khó khăn trong công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở các vùng miền; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác bảo tồn và phát huy di sản ở Việt Nam nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng.
Trước đó, các đại biểu dự Hội thảo đã đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Nhà tù Sơn La, dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc và dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Tây Bắc.