Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sơn La: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

13/02/2023 | 09:39

Tỉnh ta có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, với nhiều điểm đến thiên nhiên hấp dẫn, con người thân thiện, mến khách, đặc biệt là sự hấp dẫn từ nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2022-2030. Đề án khẳng định vai trò quan trọng của các loại hình văn hóa phi vật thể đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh về mảnh đất, con người Sơn La thân thiện, là điểm nhấn ấn tượng hấp dẫn du khách.

Sơn La: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Múa sạp, loại hình dân vũ truyền thống tại huyện Mộc Châu. Ảnh: PV

Triển khai thực hiện đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch với 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng nhiệm vụ khảo sát, đánh giá thực trạng và lựa chọn lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số và lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng thời, nghiên cứu, sưu tầm, phân loại di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số đã và đang bị mai một để định hướng các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy, trong đó lưu ý đến các dân tộc ít người và các loại hình có tiềm năng xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.

Chú trọng bình xét, phong tặng các danh hiệu, tạo động lực cho các cá nhân đóng góp vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh có 2 “Nghệ nhân nhân dân”, 36 “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là đội ngũ có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tri thức cổ, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Vừa là người có kỹ năng biểu diễn, các nghệ nhân dân gian đồng thời là những người đóng vai trò trao truyền bí quyết, kiến thức thực hành các di sản văn hóa phi vật thể nói chung và dân ca, dân vũ, dân nhạc nói riêng đến với cộng đồng.

Thực tế phát triển du lịch những năm gần đây cho thấy, các loại hình văn hóa dân gian dân tộc đã và đang phát huy được sức hút riêng, tạo nên những nét đặc trưng, ấn tượng của mỗi điểm đến, hình thành nên một loại hình văn hóa du lịch riêng biệt của từng địa phương. Điển hình như điểm du lịch cộng đồng bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang màu sắc dân gian dân tộc đã dần trở thành điểm nhấn, sản phẩm dịch vụ không thể thiếu cho du lịch tại đây.

Anh Vì Văn Tuyền, cán bộ văn hóa xã Đông Sang, chia sẻ: Bản du lịch cộng đồng bản Áng đặc biệt chú trọng xây dựng và phát huy các loại hình văn nghệ cộng đồng. Dựa trên chất liệu dân ca, dân vũ, các tiết mục biểu diễn được dàn dựng mang tính truyền thống, giàu bản sắc đặc trưng của các dân tộc, nhất là dân tộc Thái, là hoạt động mang tính cộng đồng, kết nối giữa người dân địa phương, người làm du lịch với du khách.

Các loại hình trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống như: Lễ hội Hết Chá, huyện Mộc Châu, lễ hội gội đầu, huyện Quỳnh Nhai..., được phục dựng trong các dịp lễ, tết, các sự kiện du lịch, hội chợ xúc tiến quảng bá đã giúp tạo dấu ấn riêng cho bản sắc văn hóa dân tộc và con người của vùng đất Sơn La với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, khi Nghệ thuật Xòe Thái Tây Bắc được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Nghệ thuật Khèn của đồng bào Mông, nghi lễ cấp sắc của đồng bào Dao, huyện Mộc Châu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia..., cùng nhiều di sản khác được công nhận đã nâng tầm các loại hình trình diễn dân gian, giúp văn hóa các dân tộc Sơn La được quảng bá rộng rãi và được biết đến nhiều hơn, tạo thêm lợi thế cho du lịch phát triển.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành đang tích cực triển khai thực hiện đề án lồng ghép vào nhiệm vụ công tác hằng năm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ công chức văn hóa xã, các nghệ nhân, người có uy tín, nhằm nâng cao năng lực truyền bá, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động trình diễn theo định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, xây dựng hình ảnh văn hóa Sơn La giàu sức hút đối với du khách.

Theo Báo Sơn La

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×