Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sớm có chính sách về phát hành phim Nhà nước đặt hàng

11/04/2024 | 15:42

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ VHTTDL diễn ra sáng 11/4 tại Hà Nội, nhiều vấn đề được dư luận quan tâm đã được giải đáp minh bạch, công khai. Câu chuyện phát hành phim Nhà nước đặt hàng nhận được nhiều sự quan tâm của báo giới.

Sớm có chính sách về phát hành phim Nhà nước đặt hàng

Thời gian qua, bộ phim "Đào, Phở và Piano" do Nhà nước đặt hàng trở thành "hiện tượng" phòng vé, việc có cơ chế nào để phát hành phim Nhà nước đặt hàng đã nhận được sự quan tâm của báo giới tại Họp báo.

Sớm có chính sách về phát hành phim Nhà nước đặt hàng - Ảnh 1.

Quang cảnh Họp báo sáng 11/4 tại trụ sở Bộ VHTTDL

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Doanh thu phim "Đào, Phở và Piano" đạt 21 tỷ đồng, bằng đúng số tiền ngân sách Nhà nước chi cho làm bộ phim. Tuy nhiên, Ban tổ chức chỉ thu tiền mua vé xem phim này ngoài hệ thống rạp bằng 50% giá vé thông thường. Như vậy, nếu bán vé với mức giá như các phim thương mại, doanh thu phim "Đào, Phở và Piano" phải cao gấp đôi và có lãi khoảng 21 tỷ đồng. Cục Điện ảnh đã đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng "Đào, phở và piano" trong dịp lễ 30/4 và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng không được vì dịp này nhà đài đã có nhiều chương trình, bộ phim khác và sẽ dời lịch phát sóng vào dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10.

Ông Thành cũng cho rằng, có 3 lý do khiến phim "Đào, Phở và Piano" đạt doanh thu cao. Thứ nhất, đây là bộ phim tốt về nội dung tư tưởng, công tác dàn dựng, đạo diễn; đội ngũ diễn viên tham gia diễn xuất tròn vai. Thứ hai, mặc dù phim không có kinh phí tuyên truyền nhưng nhận được sự ủng hộ của giới báo chí, truyền thông và cộng đồng mạng. Thứ ba là phim phát hành đúng dịp nghỉ tết, thị trường đã bão hòa phim có nội dung khác. Thành công của phim cũng cho thấy, giới trẻ Việt Nam vẫn rất quan tâm đến lịch sử đất nước, dân tộc. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng sẽ có đủ 3 yếu tố nói trên. Chưa kể, phim Nhà nước đặt hàng thường là phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi. Những phim như thế không dễ thu hút khán giả vì khán giả chủ yếu xem phim giải trí.

Trao đổi quanh vấn đề phát hành phim Nhà nước đặt hàng trong thời gian tới, ông Vi Kiến Thành cho biết, những dự đoán về khán giả đến rạp là thách thức đối với người làm phim và là bài toán vô cùng khó, chưa ai giải được. Ngay việc phát hành "Đào, Phở và Piano" cũng nằm trong đợt thử nghiệm phát hành một số phim Nhà nước đặt hàng ngoài hệ thống rạp của Bộ VHTTDL để xem khả năng doanh thu phòng vé của các phim này. Ngoài phim "Đào, Phở và Piano" còn có phim "Hồng Hà nữ sĩ" và 6 phim hoạt hình khác nhưng chỉ có "Đào, Phở và Piano" có doanh thu cao.

Sớm có chính sách về phát hành phim Nhà nước đặt hàng - Ảnh 2.

Bộ phim Đào, Phở và Piano cho thấy đảm bảo 3 yếu tố thì phim Nhà nước đặt hàng sẽ hút khách

"Các phim Nhà nước đặt hàng sản xuất được sử dụng cho tuần phim trong nước và nước ngoài, chiếu trên truyền hình, phục vụ nhân dân miễn phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị chứ không phải làm xong rồi cất kho như một số ý kiến trên báo chí. Các tuần phim, đợt phim đều lấy phim Nhà nước đầu tư sản xuất, không lấy phim của đơn vị tư nhân vì Nhà nước không có kinh phí mua bản quyền", Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định.

Phương án của Bộ VHTTDL về phát hành phim Nhà nước đặt hàng, ông Thành cho biết, lâu nay, các phim này chỉ có kinh phí sản xuất, không có kinh phí để tuyên truyền quảng bá. Trước đây, Fafilm Việt Nam phát hành các phim trên nhưng hiện nay đơn vị này không còn nên không có đơn vị nào phát hành phim do Nhà nước đặt hàng. Cục Điện ảnh không có chức năng phát hành phim. Cục đã đề xuất giao Trung tâm chiếu phim quốc gia làm nhiệm vụ phát hành phim Nhà nước đặt hàng đồng thời đề xuất xây dựng Nghị định về phát hành, phố biến phim, trong đó tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phát hành phim nói trên. Dự kiến, Nghị định sẽ được ban hành vào cuối năm 2024.

Sớm có chính sách về phát hành phim Nhà nước đặt hàng - Ảnh 3.

Ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ tại Họp báo

Phim nhảm nhí trên mạng - cơ quan nào kiểm soát?

Cũng tại buổi họp báo, ông Vi Kiến Thành và đại diện Bộ VHTTDL đã trao đổi nhiều vấn đề "nóng" khác quanh lĩnh vực Điện ảnh. Liên quan đến vấn đề phim chiếu tràn lan trên mạng, trong đó có nhiều phim nhảm nhí, ông Thành cho biết, theo quy định hiện hành, chỉ có phim chiếu rạp được thực hiện theo chế độ tiền kiểm (cấp phép phổ biến). Phim chiếu trên không gian mạng thực hiện theo chế độ hậu kiểm, các nhà phát hành chịu trách nhiệm phân loại phim và hiển thị cảnh báo cho người xem. Tuy nhiên, hiện nay, Cục Điện ảnh chỉ có 10 người thực hiện nhiệm vụ kiểm soát phim trên mạng và toàn bộ đều là kiêm nhiệm. Mỗi ngày chia 2 ca trực, mỗi ca 5 người nên không thể xem hết được.

Liên quan đến những khúc mắc quanh cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trong đó có đề xuất thoái vốn của nhà đầu tư – Vivaso, ông Thành cho biết, đây là vấn đề rất phức tạp và khó khăn, sẽ phải thực hiện theo đúng Kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đó.

Về vấn đề 300 bộ phim của Hãng không được bảo quản, bị hư hỏng, đại diện Bộ VHTTDL cho biết, bản gốc các phim này đã được bảo quản tại Viện Phim Việt Nam theo đúng tiêu chuẩn. Các bản giữ lại tại Hãng để Hãng khai thác đã bị hư hỏng, không có khả năng phục hồi và cũng không nên phục hồi vì rất tốn kém, trong khi chúng ta đã có bản gốc tại Viện Phim Việt Nam. Trước đó, theo đơn kiến nghị của các nghệ sĩ, đích thân Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và đại diện nghệ sĩ của Hãng đã đến Viện Phim Việt Nam kiểm tra, xem xét kho phim và Bộ cũng đã có văn bản trả lời các nghệ sĩ về vấn đề này.

Sớm có chính sách về phát hành phim Nhà nước đặt hàng - Ảnh 4.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã kiểm tra các bản phim do Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất được lưu giữ tại Viện Phim Việt Nam hồi tháng 4/2023

Giải đáp thông tin Liên hoan phim quốc tế tại TP Hồ Chí Minh nhưng không có phim nào của Việt Nam tham gia, đại diện Bộ VHTTDL cho rằng, thông tin này chưa chính xác. Cụ thể, Việt Nam có 1 phim truyện dài đăng ký nhưng phim không được Cục Điện ảnh cấp phép vì vi phạm Luật Điện ảnh nên không được tham gia. Đồng thời có 3 phim ngắn tham dự. Theo quy định của Liên hoan phim quốc tế, mỗi Liên hoan phim cũng chỉ được đăng ký một số lượng phim nhất định và Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh là của địa phương, tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Theo Luật Điện ảnh hiện hành, việc tổ chức Liên hoan phim này không vi phạm quy định như một số ý kiến nêu vừa qua. Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng khẳng định, Luật khuyến khích thực hiện các Liên hoan phim quốc tế và trong nước bằng nguồn vốn xã hội hóa, nhằm tạo động lực thúc đẩy điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phát triển, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×