Số hóa tài liệu thư viện không phải là phục vụ hoàn toàn miễn phí bạn đọc
17/05/2020 | 08:34Trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ngay từ đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ VHTTDL triển khai xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam". Bên cạnh đó, Luật Thư viện cũng xác định một trong những nhiệm vụ của các thư viện là ứng dụng khoa học công nghệ.
Thực hiện những yêu cầu nêu trên, sáng 15.5 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức cuộc họp với ban soạn thảo và tổ biên tập, tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện đề cương chi tiết Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam" trước khi báo cáo với lãnh đạo Bộ.
Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam" được xây dựng nhằm nâng cao năng lực của thư viện tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đảm bảo cung ứng dịch vụ đáp ứng yêu cầu người sử dụng; chủ động ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, công bằng xã hội trong cung cấp thông tin và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, của nhân dân, góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện và phát triển đất nước bền vững...
Trong đó, Đề án hướng tới một số chỉ tiêu phấn đấu 100% thư viện ưu tiên đầu tư phát triển thư viện số, thực hiện liên thông; hiện đại hóa thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở Trung ương. Ngoài ra, các thư viện phải đảm bảo 100% website có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến; xây dựng tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở cho các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học và các cơ sở giáo dục khác…
Trước những vấn đề dự thảo đề cương chi tiết của Đề án đưa ra, nhiều thành viên trong tổ soạn thảo và ban biên tập đã nêu ý kiến để hoàn thiện các nội dung. Ông Lê Đức Thắng (Trưởng phòng tin học, Thư viện Quốc gia Việt Nam) đề xuất dự thảo đề cương chi tiết Đề án cần bổ sung thêm một số nội dung để tăng cường hạ tầng công nghệ, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Bên cạnh đó, ngành Thư viện cũng cần có thêm các giải pháp cụ thể hơn trong số hóa tài liệu, đa dạng nội dung được số hóa. Đồng thời, số hóa như thế nào để tuân thủ các vấn đề về bản quyền phải được tính tới.
Cùng chung quan điểm, Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) bà Hà Thị Huệ nêu, số hóa tài liệu chỉ nên cho người đọc có thể đọc tại chỗ, không cấp quyền cho tải về. Bên cạnh đó, cần áp dụng thêm công nghệ để đẩy mạnh liên thông thư viện và 100% thư viện quan trọng phải thực hiện điều này.
Trước những lo ngại về vấn đề bản quyền, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định, số hóa tài liệu ở đây không phải là phục vụ hoàn toàn miễn phí bạn đọc: “Có những tài liệu có thể phục vụ miễn phí nhưng cũng có tài liệu phải áp dụng chi trả bản quyền, đảm bảo quyền và lợi ích của tác giả mới được tiếp cận. Trong một số trường hợp, bạn đọc chỉ có thể tra cứu thông tin tài liệu trên mạng hoặc tóm tắt. Nếu muốn đọc toàn văn, bạn đọc vẫn phải đến các thư viện".
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng mong muốn dự thảo đề cương chi tiết Đề án sẽ tiếp tục được nghiên cứu, chỉnh lý sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo kế hoạch, dự kiến Đề án sẽ được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 10 năm 2020.