Số hóa dữ liệu lễ hội truyền thống
21/12/2023 | 12:08Lễ hội là sinh hoạt văn hóa gắn bó mật thiết với cộng đồng, có vai trò quan trọng trong gìn giữ và phát triển văn hóa. Tuy nhiên, với một đất nước có nhiều lễ hội như nước ta, việc quản lý lễ hội luôn tồn tại những khó khăn. Trong thời kỳ hội nhập và bùng nổ công nghệ hiện nay, việc số hóa dữ liệu về lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống ngày càng trở nên vô cùng cấp thiết, giúp cho công tác tổ chức, quản lý lễ hội ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Ðề án Số hóa các dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ban hành ngày 16/7/2021, được xem như một cuộc tổng kiểm kê của ngành văn hóa về lễ hội, gạn lọc để chuẩn hóa thông tin lễ hội, tổ chức lễ hội tốt hơn. Ðề án chia làm hai giai đoạn: 2021-2023 và 2023-2025, đến nay đã thu nhiều kết quả khả quan, trong đó đáng chú ý nhất là thu thập, lưu trữ được các tài liệu quý - nguyên liệu quan trọng cho việc số hóa.
Cả nước hiện có 8.868 lễ hội, trong đó có tới 8.103 lễ hội truyền thống, cho thấy đại đa số lễ hội ở nước ta là lễ hội truyền thống. Ngành văn hóa ngay từ khi thực hiện đề án nêu trên đã chủ trương số hóa 100% dữ liệu lễ hội truyền thống với các nội dung cụ thể như: xây dựng phương án, lập phiếu và tổ chức điều tra khảo sát, phân loại các loại hình lễ hội, lập biểu thống kê, khảo sát tại địa phương, thu thập thông tin tư liệu viết, hình ảnh, tổ chức hội thảo, tọa đàm, đánh giá số liệu thu thập...
Ðến nay, những dữ liệu về lễ hội truyền thống đã hoàn tất và cơ bản đã được số hóa. Phần mềm Cổng thông tin lễ hội Việt Nam đã cập nhật hàng ngàn trang tư liệu, bài viết, hình ảnh, video về các lễ hội nói chung và lễ hội truyền thống nói riêng. Ðây là cơ sở quan trọng phục vụ công tác quản lý lễ hội, nhất là dịp Tết đến xuân về. Dễ nhận thấy, nhờ công tác số hóa dữ liệu mà vài năm trở lại đây, các lễ hội truyền thống có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, quản lý: trang trọng, an toàn, tiết kiệm, văn minh hơn. Các tư liệu được số hóa đã phục vụ phần nào nhu cầu của các nhà quản lý và người dân: nhanh hơn, kịp thời hơn.
Dù vậy, theo ý kiến một số chuyên gia, vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Chẳng hạn như, nhận thức của từng địa phương về vấn đề số hóa dữ liệu lễ hội còn chưa đồng đều, có nơi còn xem nhẹ việc thu thập, tìm kiếm tài liệu, sơ sài trong các biểu mẫu thông tin. Công tác tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa, lịch sử văn hóa và các hoạt động văn hóa đặc trưng của lễ hội đến nhân dân và du khách trong thời gian qua còn hạn chế. Việc áp dụng công nghệ thông tin, số hóa lễ hội truyền thống chưa được khai thác hiệu quả.
Số hóa là hoạt động cần thiết, nhưng xét đến cùng, sức sống của lễ hội truyền thống vẫn nằm trong năng lực sử dụng, giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa của người dân. Nói cách khác, vận dụng các tư liệu số hóa vào công tác quản lý lễ hội hoàn toàn nhờ vào việc khai thác mang tính chủ quan của các chủ thể lễ hội. Vì thế, yêu cầu đặt ra là các tài liệu số hóa cần được biên tập, chỉnh sửa, sắp xếp sao cho sáng tạo, khoa học, dễ hiểu, từ đó tăng khả năng tiếp cận của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trên nền tảng các kiến thức đó, trong sinh hoạt và sáng tạo văn hóa thông qua lễ hội truyền thống, từng người dân có thể đóng góp ý kiến xây dựng, bổ sung các giá trị mới phù hợp với đời sống hiện đại. Số hóa là công việc cần đến nguồn nhân lực chất lượng cao, sự đầu tư thỏa đáng cho thiết bị máy móc, cho nên cần có chính sách phù hợp để đào tạo chuyên gia cũng như chiến lược thu hút nguồn lực.