Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Số hóa di tích ở ATK Định Hóa: Cầu nối tương lai

08/11/2022 | 13:19

Ngày nay, số hóa di tích không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách trên môi trường mạng mà còn đáp ứng xu thế tất yếu của quá trình chuyển đổi số. Xác định rõ điều này, thời gian qua, công tác số hóa di tích đang được đẩy mạnh tại huyện Định Hóa - một trong những địa phương có số lượng di tích lịch sử, văn hóa lớn nhất trên địa bàn tỉnh.

Thái Nguyên: Số hóa di tích ở ATK Định Hóa - Cầu nối tương lai - Ảnh 1.

Hình ảnh 3D Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thuộc Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa) hiển thị trên trang web https://atk.vimap.vn

Định Hóa tự hào là vùng đất cách mạng, có nhiều di tích lịch sử gắn với nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Ngoài sở hữu một quần thể di tích quốc gia đặc biệt, toàn huyện còn có trên 100 điểm di tích khác. Trong đó, nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời là cơ sở để Định Hóa thu hút du khách, phát triển du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, đối với du khách ngoài tỉnh, để xác định được đường đi đến các điểm du lịch hay những thông tin liên quan đến di tích không phải là điều dễ dàng. Để phục vụ du khách, tỉnh Thái Nguyên và huyện Định Hóa đã phát triển bản đồ số ATK vip map. Theo đó, với máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, người dùng chỉ cần gõ tên miền https://atk.vimap.vn và truy cập vào trang web, các thông tin tổng quan về di tích (phân khu, tuyến tham quan, bản đồ địa điểm di tích, điểm dịch vụ ăn uống...) đều sẽ được hiển thị.

Du khách chỉ cần gõ tên điểm đến, sẽ xuất hiện bản đồ chỉ đường đến tận nơi. Bên cạnh đó, chỉ cần nhấn lựa chọn nơi cần tìm hiểu, du khách sẽ đọc được những phần giới thiệu khái quát nhất về di tích. Ngoài ra, du khách cũng được nhìn ngắm toàn cảnh di tích thông qua công nghệ thực tế ảo và video 360­ chân thực từ các góc nhìn.

Những tiện ích trên là kết quả bước đầu của việc thực hiện số hóa 2D và 3D tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa dưới sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên. Khu di tích ATK Định Hóa là một trong 3 đơn vị (cùng với xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai và xã La Bằng, huyện Đại Từ) được tỉnh lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Thái Nguyên: Số hóa di tích ở ATK Định Hóa - Cầu nối tương lai - Ảnh 2.

Du khách chỉ cần quét mã QR để nhận được thông tin về Khu di tích Quốc gia địa điểm đóng quân của Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), tại xã Lam Vĩ.

Đến nay, công nghệ thực tế ảo và video 360 đã được ứng dụng tại 16 điểm di tích trên địa bàn huyện Định Hóa. Trên 100 điểm di tích cũng đã được định vị, số hóa bằng bản đồ 2D. Các đơn vị liên quan cũng phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa thực hiện tích hợp và triển khai bản đồ tra cứu.

Hiện, các đơn vị đang tiếp tục phối hợp để hoàn thiện giải pháp, thủ tục, công nghệ nâng cấp phần mềm 3D “Tích hợp nền nhạc và thuyết minh cho các điểm di tích và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà trưng bày ATK Định Hóa và các điểm di tích giới thiệu các sản phẩm dịch vụ độc đáo phù hợp với văn hóa truyền thống, vùng dân tộc thiểu số ATK Định Hóa, Thái Nguyên”.

Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích ATK Định Hóa, khẳng định: Việc ứng dụng công nghệ số, du lịch thực tế ảo là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0. Đây cũng là cơ hội để quảng bá di tích gắn với du lịch theo phương thức mới, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, đơn vị đang gặp một số khó khăn như: thiếu hạ tầng kỹ thuật; một số điểm di tích nằm ở “vùng lõm” thông tin; thiếu hệ thống camera giám sát… Do vậy, ATK Định Hóa vẫn cần đồng bộ hóa hạ tầng số để có thể đáp ứng những tiện ích mà quá trình số hóa mang lại.

Bên cạnh việc thực hiện số hóa tại Khu di tích lịch sử ATK, một số xã của huyện Định Hóa cũng đã triển khai gắn mã QR cho điểm di tích. Cụ thể như: xã Lam Vĩ gắn mã QR thông tin về Khu di tích Quốc gia địa điểm đóng quân của Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng); xã Đồng Thịnh gắn mã QR Code Địa điểm Nhà máy Quân giới k77 (còn gọi là xưởng Đội Cấn); xã Phượng Tiến gắn mã QR thông tin Địa điểm nơi thành lập Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)...

Mặc dù các di tích này bước đầu được gắn mã QR thông tin một cách tự phát và chủ yếu do tổ chức Đoàn Thanh niên địa phương thực hiện, nhưng đây là những bước khởi đầu cho việc số hóa 2D, 3D trong thời gian tới.

Nói về việc số hóa các di tích trên địa bàn, bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa, cho biết: Huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; triển khai gắn mã QR tra cứu thông tin các di tích lịch sử trên địa bàn; phối hợp thực hiện số hóa các di tích lịch sử. Bước đầu, Định Hóa đã nhận được đề xuất hỗ trợ của Tập đoàn Bưu Chính Viễn thông Việt Nam để tiến hành số hóa các di tích đã được xếp hạng trong thời gian tới.

Theo lộ trình, giai đoạn 2021-2025, Định Hóa sẽ hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú, ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí trong toàn huyện. Hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ và khách du lịch, đồng thời ứng dụng chuyển đổi số trong kiểm soát ô nhiễm môi trường thông minh... sẽ được hình thành.


Theo Báo Thái Nguyên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×