Sở Du lịch Đà Nẵng: Phát triển dữ liệu - hướng tới giá trị mới cho ngành du lịch
08/10/2024 | 15:18Để phát triển dữ liệu số, trong thời gian tới ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành du lịch với phương châm “đúng, đủ, sạch, sống” làm cơ sở để phối hợp, liên kết, hợp tác với các đơn vị đưa các ứng dụng, nền tảng vào hoạt động để hình thành hệ sinh thái số trong lĩnh vực du lịch.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng và phấn đấu sớm trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo, thông minh của khu vực Đông Nam Á. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng, cần thiết và then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật và đẩy mạnh phát triển của ngành du lịch.
Tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nêu quan điểm "Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao" và đã đề ra một số giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ, trong đó có việc "xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia".
Do đó, Sở Du lịch Đà Nẵng nhận thấy, chuyển đổi số góp phần tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh để xúc tiến quảng bá, hỗ trợ du khách, tạo ra sản phẩm du lịch mới và tăng giá trị trải nghiệm và phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, giúp cho việc chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số (Digital value chain) dựa trên dữ liệu một cách mạnh mẽ.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, chỉ có chuyển đổi số, mới tạo ra được một lượng dữ liệu đủ lớn để cơ quan quản lý nhà nước kịp thời có thể đưa ra những định hướng phát triển ngành và doanh nghiệp có thể khai thác để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như tiếp cận khách hàng. Vì vậy, ngành du lịch Đà Nẵng đã xây dựng Kế hoạch và triển khai các mục tiêu, giải pháp thực hiện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Những kết quả đã đạt được
Việc phát triển hệ thống dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch được ngành du lịch Đà Nẵng đánh giá là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, là nền tảng để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Sở Du lịch Đà Nẵng đã xây dựng và trình UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành du lịch, đây được coi là nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh và là định hướng kỹ thuật để phát triển các ứng dụng, cho phép tích hợp, chia sẻ và kết nối với các hệ thống thuộc thành phố thông minh.
Đến nay, Sở cũng đã hoàn thành cơ bản cơ sở dữ liệu ngành du lịch, ban hành danh mục đặc tả dữ liệu ngành du lịch; đã sử dụng hiệu quả các hệ thống phần mềm như: quản lý văn bản và điều hành giúp việc điều hành và xử lý công việc được thuận lợi, phần mềm rà soát công việc tổng hợp; hệ thống báo cáo kết quả kinh doanh du lịch trực tuyến. Đã xây dựng 06 bộ dữ liệu mở gồm dữ liệu doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, khu, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch để tích hợp lên cổng dữ liệu mở thành phố, đồng thời tích hợp các API chia sẻ dữ liệu du lịch trên cổng tích hợp dữ liệu thành phố.
Với việc số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính, Sở đã sử dụng dữ liệu số về đăng ký doanh nghiệp để cắt giảm thành phần hồ sơ phải nộp đối với 7 TTHC, sử dụng dữ liệu về Cấp giấy chứng nhận kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế do Sở Du lịch Đà Nẵng cấp để cắt giảm thành phần hồ sơ đối với thủ tục Cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa.
Sử dụng dữ liệu số để giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính ngay trong ngày đối với 4 thủ tục hành chính (giảm từ 5 ngày xuống còn 1 ngày) liên quan đến cấp đổi, cấp lại giấy phép lữ hành nội địa, giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại thành phố Đà Nẵng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài. Sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm thông tin khai báo trên tờ đơn trực tuyến đối với thủ tục hành chính.
Sở đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ AI thí điểm xây dựng hệ thống giám sát du lịch thông minh tại 3 khu điểm du lịch là: Bảo tàng Đà Nẵng, Chùa Linh ứng Sơn Trà và Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn (nhận dạng, giám sát HDV du lịch, các đối tượng trộm cắp, rác thải, bán hàng rong, đếm khách) và sẽ mở rộng thêm các khu, điểm du lịch khác trong thời gian tới.
Sở cũng đã hoàn thành Cổng thông tin và ứng dụng di động Danang Fantasticity theo hướng tất cả ứng dụng trong một ứng dụng, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ du khách trước, trong và sau khi đến thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó đã đưa vào hoạt động chatbot, phát triển đồng loạt các kênh mạng xã hội gồm Facebook, Instagram, Youtube và Tiktok…
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch Đà Nẵng đã chủ động triển khai Hội chợ du lịch trực tuyến quốc tế Danang Fantasticity với 150 gian hàng ảo cùng 60 buyer quốc tế, hợp tác với Klook (nền tảng dành cho du lịch tự túc) xây dựng chiến dịch truyền thông quảng bá du lịch đến các thị trường khách; hợp tác với Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Đa Phương Tiện GDL quảng bá du lịch thông qua các hoạt động marketing trực tuyến; Tổ chức các hội thảo trực tuyến kết nối với các thị trường du lịch trọng điểm của thành phố như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản….
Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm tăng trải nghiệm của du khách cũng được Sở Du lịch và các sở, ban, ngành có liên quan tích cực triển khai như thuyết minh tự động (audio guide), công nghệ scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; xây dựng bản đồ số ẩm thực du lịch; tour du lịch ảo thành phố Đà nẵng thông qua công nghệ thực tế ảo VR360, metaverse "Một chạm đến Đà nẵng" tại hơn 500 điểm quét các điểm tham quan trên địa bàn thành phố, đến nay ứng dụng thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập….
Những thách thức khi kết nối, chia sẻ, khai thác và quản lý dữ liệu
Bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác thu thập, xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác, quản lý dữ liệu của ngành du lịch vẫn còn nhiều thách thức. Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành mới hoàn chỉnh giai đoạn đầu nên lượng dữ liệu chưa được thống kê đầy đủ làm hạn chế việc hỗ trợ xây dựng các biểu đồ phân tích, dự báo, cũng như đưa ra các quyết định trong công tác quản lý của ngành. Việc phát triển, tích hợp dữ liệu giữa các hệ thống của các ngành còn hạn chế nên phải mất nhiều thời gian cho việc thu thập dữ liệu đáng tin cậy.
Một số doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nên chưa quyết liệt và có lộ trình cụ thể triển khai công tác chuyển đổi số, các kênh thông tin hướng dẫn triển khai chuyển đổi số dành riêng cho các doanh nghiệp du lịch còn hạn chế. Các doanh nghiệp còn thiếu nhân lực chất lượng cao hoặc có chuyên môn cao về triển khai chuyển đổi số; nhân lực về phân tích dữ liệu (data analytics).
Trong thời gian tới, để phát triển dữ liệu số, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành du lịch với phương châm "đúng, đủ, sạch, sống" làm cơ sở để phối hợp, liên kết, hợp tác với các đơn vị đưa các ứng dụng, nền tảng vào hoạt động để hình thành hệ sinh thái số trong lĩnh vực du lịch./.