Sắp diễn ra Ngày hội tôn vinh bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ
03/11/2022 | 08:39Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”, Ngày hội được Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Sóc Trăng và các địa phương tổ chức từ ngày 6 đến 8.11, nhằm tạo không gian văn hóa ý nghĩa, để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Khmer Nam Bộ đến từ 12 tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ...
Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V tại tỉnh Sóc Trăng năm 2022, với sự tham gia của 2000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng dân các chức sắc tôn giáo tiêu biểu dân tộc Khmer Nam Bộ sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 6.8, tại thành phố Sóc Trăng. Hiện, Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, UBND tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh tham gia Ngày hội chuẩn bị chu đáo các điều kiện sẵn sàng để Ngày hội diễn ra thành công.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”, Ngày hội được Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Sóc Trăng và các địa phương tổ chức từ ngày 6 đến 8.11, nhằm tạo không gian văn hóa ý nghĩa, để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Khmer Nam Bộ đến từ 12 tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đồng thời, lan tỏa mạnh mẽ tới du khách trong và ngoài nước, kích cầu phát triển du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi kết tinh nhiều giá trị văn hóa gắn với không gian sông nước vô cùng độc đáo, phong phú, giàu bản sắc của dân tộc Khmer và các dân tộc anh em - là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Với hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng phản ánh rõ nét nền văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước, gắn liền với quá trình khai thiên, lập địa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên, ước mơ, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Các giá trị di sản văn hóa đã và đang được đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ bảo tồn, phát huy trong đời sống hàng ngày, phát triển hài hòa trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng. Do đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Khmer là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành và địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Đến với Ngày hội, người dân, du khách sẽ được hòa mình vào không khí sôi động với những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer, qua sự thể hiện của hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng qua các giai điệu dân ca, dân vũ, điệu múa dân gian Răm vông, Saravan, múa trống Sadăm, nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê say đắm lòng người, cùng thưởng thức âm của nhạc cụ ngũ âm - Phlêng Pinpeat là tiếng lòng của người dân Khmer với thần linh, thiên nhiên, con người. Du khách còn được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục đặc trưng qua sự trình diễn của các nghệ nhân người Khmer và đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng qua sự thể hiện khéo léo, tài hoa của nghệ nhân với không khí sôi động, đậm bản sắc tại Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo, các môn thể thao dân gian truyền thống…
Để Ngày hội diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh, quốc phòng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện, Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, UBND tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh tham gia Ngày hội chuẩn bị chu đáo các điều kiện sẵn sàng để Ngày hội diễn ra thành công.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội đã phối hợp xây dựng các phương án tổ chức lực lượng, phương tiện đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch có chính sách kích cầu, khuyến mại, liên kết xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phục vụ ăn, nghỉ và tham quan của đại biểu, du khách đến Sóc Trăng trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội.
Theo Báo Văn Hóa