Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống

24/12/2020 | 16:10

Làng nghề truyền thống có thể ví như một “bảo tàng” lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể - sản phẩm thủ công và phi vật thể - tri thức, kinh nghiệm, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội...

Sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống - Ảnh 1.

Các sản phẩm từ làng nghề đúc đồng Trà Đông (xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa)

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 155 làng nghề, với 25 nghề truyền thống. Đồng thời, đã thành lập được 3 hiệp hội ngành hàng; có 4 huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của địa phương; 10 làng nghề đã được công nhận thương hiệu, nhãn mác. Thời gian qua, với việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP-TH), nhiều làng nghề và nghề truyền thống đang có cơ hội để chuyển mình và phát triển. Đặc biệt, với cách làm phù hợp, sáng tạo theo đặc điểm, điều kiện lợi thế của tỉnh, mà một số sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có thể phát triển khi tham gia vào chương trình OCOP. Trong đó phải kể đến bưởi Luận Văn, dưa hấu Mai An Tiêm, vịt Cổ Lũng, nước mắm Khúc Phụ, nước mắm Ba Làng, rượu Làng Quảng, rượu Chi Nê, tinh dầu quế, mực Sầm Sơn, chè lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, bánh răng bừa, kẹo nhãn, trà rau má, dệt thổ cẩm, tranh thêu Thanh Xuân, trống đồng Trà Đông, chiếu cói Nga Sơn, mây tre đan, gỗ nội thất...

Nói đến sản phẩm làng nghề nổi tiếng của Thanh Hóa không thể không nói đến làng nghề đúc đồng Trà Đông (xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa). Đây là làng nghề đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, nhờ bởi lịch sử hình thành và tồn tại lâu dài, cùng những giá trị vật chất, văn hóa – tinh thần nó lưu giữ. Từ làng nghề này đã có vô số mặt hàng thủ công giá trị. Được sáng tạo từ đôi tay tài hoa và sức lao động bền bĩ của các nghệ nhân. Ngày nay, các sản phẩm chủ yếu của làng nghề là trống, chuông, chiêng, tranh, tượng, đồ thờ cúng và các đồ gia dụng khác. Đặc biệt, nói đến làng Trà Đông là nói đến trống đồng – một tặng phẩm giàu ý nghĩa và rất đặc trưng của xứ Thanh gửi đến bè bạn.

Cùng với làng nghề đúc đồng và các sản phẩm từ đồng, xứ Thanh còn nổi tiếng với các sản phẩm đá cảnh, với hòn non bộ và tượng các loại. Trong đó, sản phẩm hòn non bộ chủ yếu do các hộ dân dọc 2 bên Quốc lộ 1A thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn sản xuất. Các sản phẩm tượng chủ yếu được sản xuất tại làng nghề chế tác đá xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc) và khu vực núi Nhồi (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa). Cùng với đó, đồ gỗ cũng là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ lực của Thanh Hóa. Trong đó, các sản phẩm trang trí làm từ gỗ như tranh gỗ (tranh phong cảnh, tranh tứ bình), khung gương, khung ảnh,... hiện được sản xuất chủ yếu tại các làng nghề của xã Hoằng Hà và xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa). Ngoài ra, một số địa phương như Đông Sơn, Như Thanh, Cẩm Thủy, Lang Chánh, TP Thanh Hóa cũng sản xuất đồ gỗ trang trí (tượng gỗ, bàn ghế lũa, vật dụng gia đình, cây cảnh,...).

Hình thành và tồn tại qua hàng trăm năm, các làng nghề truyền thống không đơn thuần là một tổ hợp kinh tế, mà kết tinh trong không gian tồn tại của nó là văn hóa sản xuất, văn hóa tinh thần, là nếp ăn, nếp ở, phong tục tập quán... Do đó, mỗi làng nghề là một không gian văn hóa giàu bản sắc hay một bức tranh thu nhỏ về văn hóa làng Việt. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với sản xuất các mặt hàng lưu niệm, sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch bổ trợ đắc lực cho các sản phẩm mũi nhọn (nghỉ dưỡng biển), sản phẩm thế mạnh (văn hóa tâm linh). Đồng thời, phát triển các sản phẩm lưu niệm gắn với không gian làng nghề, cũng góp phần phát triển du lịch một cách bền vững. Bởi nó góp phần nâng cao trách nhiệm của cả người dân và du khách trong việc gìn giữ nghề truyền thống, bảo vệ môi trường, cảnh quan làng nghề, nhằm tạo nên một không gian văn hóa giàu bản sắc.

Gắn các sản phẩm lưu niệm với phát triển du lịch làng nghề đang trở thành hướng đi của nhiều địa phương và ngày càng nhận được sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nhằm tạo cơ sở thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch làng nghề, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có những hướng tiếp cận tích cực, gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế. Điển hình là việc phê duyệt quy hoạch các điểm du lịch làng nghề; quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn... Theo đó, bước đầu đã hình thành một số điểm du lịch làng nghề, như làng nghề mây tre đan, xã Hoằng Thịnh, làng nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Đạt, làng nghề nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ; các làng nghề dệt chiếu cói ở huyện Nga Sơn; làng nghề bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên; làng nghề dệt thổ cẩm, xã Cẩm Lương...

Cùng với đó, tỉnh ta cũng đang tập trung khai thác, phát huy tiềm năng và lợi thế của các làng nghề, nhằm kết nối với các khu, điểm du lịch. Qua đó, góp phần gia tăng tính hấp dẫn cho các tour, tuyến du lịch. Đồng thời, từng bước khắc phục khó khăn về khoảng cách giữa các khu, điểm du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng tuyến du lịch và sản phẩm du lịch (tuyến sông Mã, tuyến Hải Tiến, du lịch đô thị, du lịch sự kiện, du lịch thể thao vui chơi giải trí tại các khu du lịch trọng điểm)... Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực triển khai các chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch trọng tâm, trọng điểm trên các kênh truyền hình Trung ương và hướng đến các kênh truyền hình uy tín quốc tế. Đồng thời, tranh thủ hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán, lãnh sự quán, Tổng cục Du lịch, tham gia các hoạt động quảng bá du lịch Thanh Hóa tại các sự kiện hội chợ du lịch quốc tế có uy tín tại nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc,...).

Mặc dù vậy, cũng cần khách quan nhìn nhận, việc gắn kết giữa sản xuất mặt hàng lưu niệm với làng nghề, để tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh ở tỉnh ta, hiện vẫn đang ở những bước “khởi động”. Bởi thực tế, hiện mới có một số sản phẩm như nem chua, bánh gai, nước mắm, rượu, mây tre đan... là được du khách biết đến. Song, cách thức du khách tiếp cận với các sản phẩm này thường là qua nhiều kênh “chưa chính thống” như bạn bè, người thân giới thiệu, biếu, tặng...; thay vì mua từ các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hay từ quá trình tham quan, trải nghiệm ở chính các làng nghề ấy. Cũng từ thực tế này mà việc hình thành sản phẩm làng nghề hoàn chỉnh, gắn với sản xuất các sản phẩm lưu niệm ở tỉnh ta, hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×