Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Rộn ràng Tết Chol Chnam Thmay tại Hà Nội

15/04/2014 | 16:45

Tổ chức Tết Chol Chnam Thmay tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã khắc họa đậm nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ bên cạnh nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam.

Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer có nghĩa là vào năm mới, thường tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3 tháng Chét, theo lịch Phật giáo Khmer (khoảng từ 13 - 15/4 dương lịch). Tết vừa là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ, cũng là ngày hạnh phúc, tươi vui nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam bộ.

Để đón Tết Chol Chnam Thmay người Khmer thường sắm sửa quần áo mới, sửa sang, trang trí nhà cửa và chuẩn bị đồ ăn, thức uống đầy đủ. Đêm giao thừa, nhà nào cũng sắp cỗ, thắp hương, đốt đèn, cúng tiễn đưa Têvôđa cũ, đón rước Têvôđa mới, bởi ngoài tôn giáo chính là Phật giáo, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvôđa) được sai xuống để chăm lo cho cuộc sống con người, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới.


Nhiễu Phật thể hiện tôn vinh, kính trọng đức Phật

Theo Đại đức Thích Kim Tuệ, trụ trì chùa Khmer, lễ đón năm mới thường diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất (Chol Sangkran) làm lễ rước đại lịch. Mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, đội cỗ lên chùa. Vào giờ tốt đã chọn, mọi người mang theo lễ vật: nhang đèn, hoa quả đến chùa làm lễ rước đại lịch Moha Sangkran. Một vị Acha, thường là vị Sư cả ở chùa, điều khiển mọi người xếp hàng đi quanh chính điện ba vòng, vừa đi vừa tụng kinh mừng năm mới. Ban đêm, những người lớn tuổi tụ họp trong giảng đường nghe sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ thì tham gia các trò chơi dân gian, hát dù kê, múa lăm thôn... tại sân chùa.

Ngày thứ hai (Wonbơf) là lễ dâng cơm và đắp núi cát. Buổi sáng các phật tử làm lễ cúng Phật và dâng cơm cúng dường các nhà sư. Trước khi thọ bát, các sư tụng kinh cầu phúc cho những người đã đem thức ăn cúng dường, đồng thời làm động tác ban thức ăn cho những oan hồn uổng tử. Buổi chiều, tiến hành lễ đắp núi cát xung quanh sân chùa. Đây là một tập tục lưu truyền theo sự tích về một người làm nghề săn bắn đã giết rất nhiều muông thú. Về già, ông luôn bị ám ảnh bởi những loài thú mà ông đã săn bắn đến đòi mạng. Ông được các nhà sư hướng dẫn cách đắp núi cát để tích phước. Ông bảo các loài chim muông nếu muốn đòi nợ thì hãy đem đi hết những hạt cát mà ông đã đắp, chúng đành kéo nhau đi. Từ đó người thợ săn cố gắng tích đức cho đến ngày về với cõi Phật. Theo sự hướng dẫn của các vị Acha, người ta lấy cát sạch đắp những ngọn núi cát nhỏ tỏa ra các hướng và một ngọn ở giữa chính điện. Ngọn chính giữa tượng trưng cho trung tâm trái đất, các ngọn còn lại tượng trưng cho bốn phương, tám hướng của vũ trụ. Đắp núi xong, người ta dùng tre (hoặc vật liệu khác) rào quanh. Tiếp theo là đến phần lễ quy y cho núi, đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thể. Tục đắp núi cát có ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu, đồng thời nhắc nhở mọi người nên tích phúc.


Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn và các đại biểu thực hiện nghi thức tắm Phật

Ngày thứ ba (Lơm săk), lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Người ta dùng nước sạch thả vào đó những bông hoa có mùi thơm, rồi dùng những nhánh hoa (hoặc chén múc nước) nhúng vào vẩy lên tượng Phật, sau đó tắm cho các vị sư cao niên, các ngôi tháp đựng hài cốt các nhà sư đã viên tịch... Đây là một nghi lễ rất quan trọng đối với đồng bào Khmer Nam Bộ vì họ tin rằng sẽ được Phật tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót trong năm cũ, ban sức khỏe, làm ăn được mùa, ý nguyện được thành, xóm làng yên ổn..., trong năm mới. Trước kia, trong những ngày Tết còn có lễ té nước vào người lớn tuổi lấy may nhưng nay người ta dùng nước sạch ngâm bông hoa có mùi thơm thấm vào quần áo, đồ dùng của ông bà, cha mẹ như một lời cầu chúc may mắn.

Những ngày qua, không gian chùa Khmer tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được trang hoàng lộng lẫy cờ hoa. Ngày 13, 14/4, tại không gian chùa đã diễn ra các nội dung hoạt động gồm các bước chuẩn bị Tết và đón Tết theo nghi thức cổ truyền. Trong ngày thứ ba, Lễ chính diễn ra với nhiều nghi thức quan trọng: Nhiễu Phật xung quanh chính điện sau đó tụng kinh lễ Tam Bảo; Nghi thức tắm Phật tại chính điện; Lễ hoà bình phóng sinh; Nghi thức đặt bát cúng dường; Văn nghệ đón Tết và thưởng thức các món ăn truyền thống.

Lần đầu tiên tổ chức Tết Chol Chnam Thmay theo đúng phong tục, tín ngưỡng Phật giáo Khmer Nam Bộ tại quần thể chùa Khmer thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội), hàng nghìn tăng ni, phật tử và du khách trong nước, quốc tế đã về đây dự lễ vào năm mới, đón mừng ngày hạnh phúc, tươi vui nhất của đồng bào Khmer. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, giới thiệu về một nét đẹp, lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc Khmer Nam Bộ nói riêng và thể hiện sâu sắc tinh thần ngày Tết đoàn kết các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo Làng Việt

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×