Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Rất dễ vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền trong thời đại 4.0 hiện nay

28/11/2019 | 18:32

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì vấn đề chống xâm phạm bản quyền - Bảo hộ quyền tác giả trên Internet ngày càng trở thành bài toán nan giải với cơ quan quản lý. Với các thiết bị công nghệ ngày càng hiện đại, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành đối tượng xâm phạm bản quyền, vi phạm pháp luật.

Không gian ảo, vi phạm thật

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), Bùi Nguyên Hùng, những năm qua hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan đã từng bước được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực thi trong nước và quá trình hội nhập quốc tế.

Rất dễ vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền trong thời đại 4.0 hiện nay - Ảnh 1.

Hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan do Cục Bản quyền tác giả tổ và Hiệp hội Phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản chức tại Hà Nội vào tháng 8/2019.

Việt Nam cũng đã ký Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả năm 1997; Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000; Hiệp định Việt Nam – Thụy Sĩ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác sở hữu trí tuệ năm 1999. Đồng thời cam kết tham gia các công ước quốc tế (Công ước Berne 2004, Công ước Geneva 2005, Công ước Brussels 2006, Công ước Rome 2007, Hiệp định TRIPs 2007)…Trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang từng bước được thực hiện, bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ pháp lý quốc tế khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng.

Vậy nhưng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thừa nhận trên thực tế, hoạt động thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra với những hình thức và mức độ vi phạm khác nhau.

Đặc biệt, theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả hiện trạng vi phạm phạm bản quyền - Bảo hộ quyền tác giả trên Internet của Việt Nam hiện đang khá phổ biến.

Đơn cử trong kỳ AFF Cup 2018, khi các trận đấu có đội tuyển Việt Nam diễn ra hàng trăm kênh YouTube và tài khoản Facebook thực hiện livestream, mặc dù hai đơn vị sở hữu bản quyền giải đấu là VTV và Next Media đã liên tục cảnh báo các đơn vị vi phạm nhưng tình trạng vi phạm vẫn ngang nhiên tái diễn. Hiện nay, trên Internet, có hàng trăm trang web chuyên cung cấp phim lậu, nhạc lậu…Vì vậy, mặc dù cơ quan quả lý nhà nước đã tiến hành xử phạt một số trang nhưng thực sự chưa thấm vào đâu.

Sử dụng công nghệ để xâm phạm bản quyền

Với thực này, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhận xét, "Internet là thời đại mà những xâm phạm bản quyền ngày càng phát triển về số lượng, quy mô, xuyên biên giới. Với các máy móc công nghệ ngày càng hiện đại, sẵn có trong tay, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là đối tượng xâm phạm bản quyền, vi phạm pháp luật."

Rất dễ vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền trong thời đại 4.0 hiện nay - Ảnh 2.

Chuyên gia của Nhật Bản chia sẻ ý kiến tại hội thảo.

Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cái khó của cơ quan chức năng là không thể xử lý triệt để bởi các trang điện tử nói trên phần lớn sử dụng tên miền quốc tế, sử dụng máy chủ lưu trữ đặt ở nước ngoài…Ngoài ra, đối tượng sở hữu những trang web vi phạm đều ẩn danh hoặc khai báo thông tin không đúng, gây khó khăn trong việc xử lý.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ánh Tuyết – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, chưa bao giờ thực trạng vi phạm bản quyền, quyền tác giả, quyền liên quan lại phổ biến và đơn giản như hiện nay. Chỉ cần một chiếc điện thoại smartphone trong tay là ai cũng có thể dễ dàng sao chép, quay chụp hay livestream lại một chương trình có bản quyền.

"Có lẽ mọi người chưa quên vụ livestream bộ phim Cô Ba Sài Gòn. Giả sử trong vụ việc này, vị khán giả kia không rõ về luật Sở hữu Trí tuệ và nghĩ đơn giản rằng mình livestream lại để cho bạn bè, người thân của mình biết và được xem cùng. Vậy nhưng, hành vi livestream tưởng chừng như vô thưởng, vô phạt ấy được thực hiện khi chưa được phép đã khiến vị khán giả này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật".

Trong khi đó, theo Điều 171 Bộ luật Hình sự (năm 1999, bổ sung năm 2009) nêu rõ, tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" sẽ bị xử phạt từ 50 triệu - 500 triệu đồng, cao nhất là 1 tỉ đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến phạt tù cao nhất 3 năm.

Điều 27 Nghị định 131/2013 ngày 16/10/2013 quy định mức phạt từ 15 đến 35 triệu đồng, đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình.

Cũng theo luật sư Nguyễn Ánh Tuyết Sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung rất quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP-11 (CPTTP), Hiệp định thương mại tư do Việt Nam – liên minh châu Âu (EVFTA) mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực thi. Vì vậy, nếu chúng ta không nghiêm túc thực hiện thì các nước sẽ không những không chấp nhận, mà thậm chí họ sẽ áp dụng những hình phạt mạnh hơn với ta.

Để chống xâm phạm bản quyền - Bảo hộ quyền tác giả trên Internet, theo luật sư Nguyễn Ánh Tuyết cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cảnh báo các doanh nghiệp không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền. Nếu không có quảng cáo, thì bên vi phạm sẽ không còn đất sống. Đồng thời cũng cần có các chế tài để xử lý các doanh nghiệp khi đã được cảnh báo nhưng vẫn cố tình đặt mua quảng cáo từ những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng như thanh tra, tòa án cần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và xử lý nhanh, dứt điểm, hỗ trợ các đơn vị bị vi phạm xử lý. Đặc biệt, cần phải tăng cường trao đổi, phối kết hợp cùng các nước để chống lại những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường ảo – mạng./.

Bài, ảnh: Vi Phong

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×