Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, Tỉnh Thanh Hóa
04/12/2017 | 09:30
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 1991/QĐ-TTg
Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2017
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KHẢO CỔ HANG CON MOONG VÀ CÁC DI TÍCH PHỤ CẬN, HUYỆN THẠCH THÀNH, TỈNH THANH HÓA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 240/TTr-BVHTTDL ngày 13 tháng 11 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi, quy mô và ranh giới lập quy hoạch
a) Phạm vi lập quy hoạch: Được xác định theo ranh giới trên bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích theo Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và diện tích khu vực mở rộng để phát huy giá trị di tích (trên cơ sở tích hợp với khu du lịch sinh thái, và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới của hai xã Thành Minh và Thành Yên).
b) Quy mô lập quy hoạch: 977,568 ha. Trong đó:
- Khu vực bảo vệ di tích, có diện tích khoảng 499,818 ha, bao gồm: Hang Con Moong 483,9861 ha; Hang Lai 2,3518 ha; Hang Lý Chùn, hang Bố Giáo, đất đắp núi Đầu Voi 6,8529 ha; Hang Diêm (hang Dơi) 4,1372 ha; hang và mái đá Mộc Long 2,49 ha.
- Khu vực phát huy giá trị di tích có diện tích khoảng 477,75 ha.
c) Phạm vi ranh giới khu vực nghiên cứu lập quy hoạch: Bao gồm diện tích đất thuộc địa phận các xã Thành Yên và Thành Minh. Cụ thể:
- Phần đất nằm trong địa phận xã Thành Yên (thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương), diện tích khoảng 776,153 ha; có phạm vi được xác định như sau: Phía Đông giáp huyện Yên Thủy (Ninh Bình); phía Nam giáp xã Thành Vinh; phía Tây giáp xã Thạch Cẩm và phía Bắc giáp xã Thạch Lâm.
- Phần đất thuộc địa phận xã Thành Minh (không thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương), nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của di tích, diện tích khoảng 201,415 ha, bao gồm toàn bộ các nhánh suối và hồ Bỉnh Công có phạm vi được xác định như sau: Phía Đông giáp thôn Luông; phía Nam giáp đường liên thôn; phía Tây giáp đường quy hoạch nông thôn mới và phía Bắc giáp thôn Mục Long.
2. Đối tượng nghiên cứu, lập quy hoạch
- Hệ thống di tích khảo cổ và các di tích có liên quan. Cảnh quan môi trường, hệ sinh thái, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư gắn với di tích.
- Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật; tình hình quản lý, bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích. Tình hình sử dụng đất và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh di tích.
- Công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang động trong và ngoài nước.
3. Mục tiêu và tính chất
a) Mục tiêu lập quy hoạch
- Nhận diện rõ hơn giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận; bảo vệ di tích và cảnh quan, môi trường di tích gắn với phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
- Kết nối di tích với các khu vực cảnh quan sinh thái vườn quốc gia Cúc Phương, hình thành các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích. Xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
- Định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
- Xác định căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo tổng thể di tích. Xây dựng quy định quản lý kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu di tích, các biện pháp bảo vệ di tích khỏi các tác động của tự nhiên và xã hội.
b) Tính chất quy hoạch
- Là di tích khảo cổ, di tích quốc gia đặc biệt.
- Là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng.
4. Nội dung, nhiệm vụ Quy hoạch chủ yếu
a) Nội dung nghiên cứu, khảo sát
- Nghiên cứu, khảo sát di tích; khảo cứu số liệu, tài liệu nghiên cứu về di tích (lịch sử, khảo cổ học, văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường, hệ động thực vật, địa hình, thủy văn và cảnh quan của khu vực di tích); khảo sát, đo vẽ, đánh giá hiện trạng di tích và bổ sung tư liệu về di tích. Nghiên cứu phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư xung quanh di tích.
- Nghiên cứu, khảo sát hiện trạng xây dựng, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật. Xác định cấu trúc quy hoạch, kiến trúc cảnh quan khu vực di tích, khu dân cư và vùng lân cận; tình hình kinh tế, xã hội và hoạt động du lịch; các chương trình, quy hoạch, dự án đã và đang thực hiện tại địa phương có tác động đến hệ thống di tích; đánh giá kết quả tình hình huy động vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư; các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân.
- Nghiên cứu, khảo sát công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ hang động tại Việt Nam và quốc tế; phân tích, so sánh với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận.
b) Xác định giá trị và đặc điểm của di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận: giá trị về cảnh quan, môi trường gắn với di tích; xác định tình trạng và nguyên nhân gây xuống cấp di tích, nhận diện các tác động tiêu cực đến di tích và cảnh quan di tích; xác định các yếu tố cần bảo tồn.
c) Xác định quan điểm, mục tiêu lập quy hoạch tổng thể di tích: quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với bảo vệ môi trường; quan điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững
d) Các dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế xã hội khu vực: Dự báo tăng trưởng kinh tế xã hội; dự báo quá trình đô thị hóa; dự báo phát triển du lịch; dự báo tác động môi trường và biến đổi khí hậu và dự báo các chỉ tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật.
đ) Xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị điều chỉnh mở rộng các khu vực bảo vệ di tích, xác định các khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới.
e) Định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo khu di tích
- Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: phương hướng chung đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; danh mục các di tích cần bảo tồn và mức độ bảo tồn; nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo tồn di tích. Nguyên tắc và mức độ tôn tạo các hạng mục thuộc phạm vi quy hoạch.
- Định hướng quy hoạch gắn với việc bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái và truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư; bảo vệ và phát triển rừng.
- Định hướng phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn trong vùng di tích và tổ chức không gian, khu cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc xây dựng mới, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng; định hướng cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch.
- Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững; kết nối du lịch với các khu vực lân cận trong tỉnh Thanh Hóa thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng.
g) Dự báo tác động môi trường và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích.
h) Đề xuất các dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên các dự án thành phần, bao gồm: Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích; nhóm dự án bảo vệ và phát triển rừng; nhóm dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhóm dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
i) Đề xuất cơ chế, nguồn vốn đầu tư cho các dự án, giải pháp huy động các nguồn lực, chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch.
5. Hồ sơ sản phẩm
Hồ sơ sản phẩm bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật di sản văn hóa; Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ;
- Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Cơ quan quản lý lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa;
- Cơ quan chủ đầu tư: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.
Thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập và trình duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa theo quy định; bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |