Tỉnh Ninh Bình gần như có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là các lĩnh vực như: du lịch, nghệ thuật hát chèo, hát xẩm, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm....
Ninh Bình có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới với khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, Chùa Bái Đính; khu du lịch Tam Cốc- Bích Động; cùng với núi Non Nước; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Nhà thờ đá Phát Diệm; Vườn quốc gia Cúc Phương... vừa là nơi tham quan du lịch, vừa là nơi có thể làm bối cảnh sáng tạo các sản phẩm văn hóa đặc sắc.
Đặc biệt, Ninh Bình còn có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa gắn với 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý. Vùng đất Hoa Lư cũng là nơi vua tôi nhà Trần lui về để chỉ đạo quân dân Đại Việt chống giặc Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ thứ XIII.
Những dấu mốc và sự kiện lịch sử của dân tộc gắn liền với những nhân vật kiệt xuất như: Đinh Tiên Hoàng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu... qua các thời kỳ lịch sử tiêu biểu của Ninh Bình là những chất liệu "đầu vào" tuyệt vời để tạo ra các sản phẩm dịch vụ văn hóa với đa dạng loại hình... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của người dân.
Một thuận lợi nữa là Ninh Bình phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh có sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI).
Có thể nói, hiện nay AI đang là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới khi góp phần thiết thực phục vụ cuộc sống con người.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và AI cho phép ta có thể phục dựng, sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc sắc về vùng đất và người Ninh Bình trong các thời kỳ lịch sử mà mọi người có thể tham quan, thưởng thức thông qua các tác phẩm nghệ thuật và đem lại giá trị kinh tế cao.
Tỉnh ta có nguồn lao động trẻ, dồi dào, trình độ học vấn khá cao. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt... Đây là những thuận lợi cơ bản cho việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Ninh Bình.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cũng còn có một số khó khăn là: Thông tin dữ liệu về những sự kiện và nhân vật lịch sử văn hóa qua các thời kỳ còn hạn chế cần được đào sâu nghiên cứu, hệ thống hóa.
Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ và hiện đại. Số người giỏi về công nghệ thông tin, AI đồng thời có năng lực sáng tạo với trí tuệ và vốn văn hóa sâu sắc, cộng với kỹ năng kinh doanh để làm ra các sản phẩm văn hóa còn ít. Cơ chế chính sách, kinh phí hỗ trợ chưa đồng bộ và đủ mạnh...
Những năm qua, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa, tỉnh ta đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nổi bật trên lĩnh vực du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ... Tuy vậy, việc phát triển công nghiệp văn hóa cũng chưa toàn diện, đồng đều trong các lĩnh vực.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về phát triển công nghiệp văn hóa đã đề ra đến năm 2030 là: "phấn đấu công nghiệp văn hóa chiếm trên 10% GRDP", trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công nghiệp văn hóa.
Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án về phát triển công nghiệp văn hóa. Có các giải pháp trong lãnh đạo chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, giao nhiệm vụ với phương châm rõ người, rõ công việc, rõ thời gian hoàn thành vì công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải sáng tạo, trí tuệ.
Lựa chọn phát triển công nghiệp văn hóa với những ngành, lĩnh vực như: Thủ công mỹ nghệ; Du lịch văn hóa; Thiết kế; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm... là thế mạnh của Ninh Bình nhằm tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập làm tiền đề dẫn dắt các lĩnh vực khác.
Mở rộng hợp tác, đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, du lịch, phim trường.... Đầu tư xây dựng Trung tâm đổi mới, sáng tạo và có chính sách thu hút những người có tài năng về làm việc tại tỉnh để phát triển toàn diện các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa là: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Du lịch văn hóa như quy định trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030" đã được Chính phủ phê duyệt.