Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Trị: Khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân

22/07/2025 | 14:08

Phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng mang lại nhiều lợi ích, trong đó phải nói đến là cải thiện sinh kế cho người dân. Mô hình này không chỉ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo nguồn thu nhập mới và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị.

Định hướng đúng đắn

Tại Quảng Trị, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với quan điểm thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội. Đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực, đặc trưng của mỗi địa phương, đảm bảo chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Cùng với đó huy động các nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển tại các địa bàn trọng điểm, nhiều tiềm năng; lồng ghép với các nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững.

Quảng Trị: Khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân - Ảnh 1.

Du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hoài An

Mục tiêu của phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng nhằm thống nhất nhận thức, quan điểm, gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân; đẩy mạnh phong trào xây dựng kinh tế nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ khả năng tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công cho khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng, tiến tới phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, ven biển.

Theo đó, nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc đầu tư hỗ trợ khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển hoạt động du lịch cộng đồng được cụ thể hóa tại Dự án 6: "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc khai thác phát triển các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng, có nguồn gốc địa phương, đặc sản vùng miền dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa để phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ưu tiên nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia cho phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cấp hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng đón khách du lịch; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch liên thông kết nối tới tận điểm du lịch cộng đồng đã được lựa chọn, như hệ thống đường, hệ thống đèn chiếu sáng, bãi đỗ xe, biển chỉ dẫn, công nghệ thông tin, wifi, điểm đón tiếp, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản của địa phương, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm dịch vụ, tham quan, trải nghiệm, vui chơi giải trí công cộng,… phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Quảng Trị: Khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân - Ảnh 2.

Thác Tà Puồng là một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hoài An

Ngoài ra, phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm. Cụ thể, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch; Hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu xúc tiến du lịch, thực hiện giới thiệu, quảng bá hiệu quả sản phẩm du lịch cộng đồng tới thị trường nội địa và quốc tế trọng điểm, tiềm năng; Xây dựng quy chế hoạt động trong mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan; Hỗ trợ kết nối và thu hút khách du lịch, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh, tích hợp được hình thức giao dịch thương mại điện tử trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; tổ chức các chương trình, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, hội chợ triển lãm kết nối các bên liên quan, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường khách tới các điểm du lịch cộng đồng.

Khai thác hiệu quả

Quảng Trị là tỉnh nông nghiệp và 70% dân số sống ở khu vực nông thôn nên việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành xu hướng được quan tâm, góp phần thực hiện hiệu quả hai mục tiêu quan trọng: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Được biết, thời gian qua hoạt động du lịch cộng đồng ở Quảng Trị dần phát triển nở rộ, lượng khách đến tham quan, check-in, trải nghiệm ngày càng nhiều đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Một số địa phương trong tỉnh chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp để sản xuất hàng lưu niệm và phát triển sản phẩm OCOP đặc sản nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu cũng như thị hiếu của du khách.

Tỉnh cũng triển khai chính sách nổi bật như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị theo Nghị quyết số 02 ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2018 - 2021, trong đó có một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay, famstay; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo Nghị quyết số 12 ngày 15/4/2022 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2022-2030, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Quảng Trị: Khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân - Ảnh 3.

Hệ thống giếng cổ Gio An. Ảnh: Hoài An

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch, lập các dự án đầu tư vào các khu du lịch cộng đồng: đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều dự án hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như: tuyến đường ven biển nối các bãi tắm cộng đồng Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang (thuộc huyện Gio Linh); Cửa Tùng, Vĩnh Thái (thuộc huyện Vĩnh Linh); đường nội bộ đến bãi tắm Nhật Tân (huyện Triệu Phong), Hải Khê, Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng); tuyến đường vào khu du lịch thác Tà Puồng, thác Ba Vòi...

Tại điểm du lịch cộng đồng ở Gio An (huyện Gio Linh), hiện nay các ngành chức năng và địa phương đang tiến hành xây dựng quy hoạch (khoanh vùng) bảo tồn, tôn tạo di tích Hệ thống công trình khai thác nước cổ gắn với phát triển du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường bê tông kết nối giữa các giếng cổ, bãi đổ xe khu vực Giếng Trạng, nhà vệ sinh, hệ thống điện nước, tu bổ chống xuống cấp hệ thống công trình khai thác nước cổ Gio An…

Những nỗ lực không ngừng và giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng đã tạo nên tín hiệu tích cực, góp phần thu hút đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, xu hướng du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa của cộng đồng dân cư, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

T.Thủy

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×