Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Trị: Đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

19/08/2022 | 09:00

Ở trong giai đoạn nào, văn hóa truyền thống cũng luôn có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống của Nhân dân, làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Qua các hoạt động văn hóa, Nhân dân làm phong phú thêm đời sống tinh thần và càng vun đắp hơn bản sắc dân tộc. Do đó, ngoài sáng tạo nền văn hóa mới phù hợp với thời đại mới, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân luôn quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quảng Trị: Đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt văn hóa tập thể của người dân xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa nhân tết Độc lập - Ảnh: T.C.L

Xác định được vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển, Đảng bộ Quảng Trị luôn chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc làm nền tảng để xây dựng con người mới và phát triển KT - XH của tỉnh. Từ đó, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo các cấp chính quyền, các ngành liên quan thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong thời kỳ mới.

Trong đó công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm như: Dự án bảo tồn bản cổ truyền thống thôn Kalu tại xã Đakrông, huyện Đakrông; điều tra, kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh; bảo tồn và phát triển các lễ hội như: Lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần làng, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả; các nghệ thuật truyền thống như: Dân ca, dân vũ, dân nhạc; các ngành nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm, đan lát, bài thuốc dân gian...

Bảo tàng tỉnh cũng tiến hành nhận diện, điều tra thống kê các di sản văn hóa phi vật thể của 2 tộc người Pa Kô, Vân Kiều; sưu tầm hàng ngàn hiện vật là đồ dùng thủ công truyền thống để phục vụ công tác trưng bày nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc được quan tâm như: Ca lơi cha chấp, oát xà nớt...; xây dựng các đội văn nghệ và các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian.

Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh cũng vừa tổ chức chuyến khảo sát việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Hướng Việt và Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Đây là các xã vùng biên giới Việt - Lào chiếm hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng...

Tuy nhiên hiện nay, trước sự thâm nhập, tác động của các nền văn hóa hiện đại, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và toàn tỉnh nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Về văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống đang dần bị mai một; các lễ hội ít thu hút người tham gia.

Nguyên nhân một mặt là do những người am hiểu và biểu diễn những làn điệu dân ca ngày càng già nhưng công tác truyền dạy cho thế hệ kế tiếp trước đây ít được quan tâm. Trong khi đó, thế hệ trẻ trước sự tác động của nền văn hóa mới, nhạc điện tử, nhạc trẻ nên không mặn mà với các làn điệu dân ca truyền thống.

Các làn điệu này đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Về văn hóa vật thể, trước những sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại, tiện dụng và giá rẻ, các sản phẩm của nghề truyền thống cũng khó tồn tại, do đó, các nghề truyền thống vẫn còn tồn tại thì ít phát triển, còn những nghề bị mai một thì đến nay vẫn khó khôi phục...

Vùng núi Quảng Trị có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Gần đây còn phát hiện hệ thống hang động, thác hùng vĩ và thơ mộng như: Động Kolum, Brai (xã Hướng Lập), thác Tà Puồng (Hướng Việt). Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị gắn kết với phát triển du lịch về với thiên nhiên là một hướng phát triển bền vững.

Do đó, tại buổi làm việc với Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh, các kiến nghị từ cơ sở là căn cứ để tỉnh xây dựng các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số như: Đầu tư nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hoá ở thôn, bản; tăng cường công tác đào tạo và có cơ chế đặc thù đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức các hoạt động văn hóa ở vùng sâu, vùng xa; đầu tư, phục dựng lại một số lễ hội; tổ chức cho những người biết và am hiểu về những làn điệu dân ca mở lớp dạy cho thế hệ trẻ; khôi phục và phát huy các nghề truyền thống; tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương khai thác tốt du lịch sinh thái...

Việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số cũng đi liền với việc bài trừ các hủ tục để làm đẹp thêm các thuần phong, mỹ tục. Tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt các hang động, thác nước gắn với phát triển làng nghề truyền thống để xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu địa phương.

Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển KT - XH của địa phương.

Theo Báo Quảng Trị

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×