Quảng Trị: Chú trọng bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa
29/11/2022 | 16:21Tỉnh Quảng Trị là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng cũng như hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng đồ sộ. Các di sản này đã hiện hữu với nhiều cấp độ, chứa đựng nhiều giá trị, nếu biết bảo tồn và phát huy hiệu quả thì sẽ mang lại lợi ích to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hiện nay, Quảng Trị có 500 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng các cấp với 4 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia và 476 di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh… Đây chính là tài sản vô giá góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế du lịch và công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương.
Bên cạnh đó, Quảng Trị là một trong những địa phương có tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc. Ngoài du lịch lịch sử-cách mạng, du lịch văn hóa-tâm linh còn có du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái và cảnh quan, du lịch biên mậu - thương mại - công vụ... Hiện nay, sản phẩm du lịch được khai thác nhiều nhất là thăm chiến trường xưa và khu phi quân sự trong các tour DMZ… Những năm gần đây, tỉnh có thêm dòng sản phẩm mới là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng phát triển mạnh ở các vùng miền Tây thuộc huyện Hướng Hóa mang lại màu sắc tươi mới cho du lịch Quảng Trị. Đặc biệt là công tác xây dựng thương hiệu du lịch đang được tỉnh quan tâm phát triển với thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị, liên quan đến nhiều di sản văn hóa là: “Ký ức chiến tranh-Khát vọng hòa bình”; kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”…
Theo đó, nhiều khu, điểm du lịch quan trọng được hình thành như: Cửa Việt, Cửa Tùng, Cồn Cỏ, Khe Sanh, Lao Bảo, Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị, Nhà thờ La Vang…Nhiều sản phẩm du lịch mới được quan tâm phát triển nhằm tăng tính hấp dẫn thu hút khách du lịch như: tổ chức đón tiếp và lễ viếng cho du khách vào buổi tối tại Thành Cổ Quảng Trị, tuyến phố lễ hội ở thị xã Quảng Trị, lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn, khu du lịch sinh thái Klu (Đakrông), trằm Trà Lộc (Hải Lăng)… đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách. Tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ được đưa vào khai thác, mở ra hướng phát triển mới của du lịch biển, đảo nhiều tiềm năng. Hiện nay đang xây dựng tour du lịch đêm tham quan di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị…
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm. Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng các lễ hội mang nét đặc trưng riêng của Quảng Trị. Tỉnh hiện có 1 bảo tàng nhà nước cấp tỉnh là trung tâm thông tin về khoa học, lịch sử, văn hóa của tỉnh. Ngoài ra có 4 nhà trưng bày tại các di tích Thành Cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, sân bay Tà Cơn, Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh tổ chức trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với di tích. Tại huyện đảo Cồn Cỏ có phòng truyền thống trưng bày các hình ảnh, hiện vật tái hiện lịch sử chiến tranh, giới thiệu về tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng phát triển du lịch của huyện đảo tới du khách. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm như tiến hành cải tạo, nâng cấp và phục dựng hàng chục ngôi nhà theo lối kiến trúc truyền thống; đầu tư dự án bảo tồn bản cổ truyền thống thôn Kalu tại xã Đakrông, huyện Đakrông; bảo tồn và phát triển loại hình di sản văn hóa phi vật thể gồm lễ hội truyền thống (lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần làng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc); tổ chức các lớp học hát dân ca Vân Kiều, Pa Kô...Việc chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Hướng Hóa, Đakrông bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và góp phần bảo tồn, khơi dậy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Thông quá đó còn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhiều thiết chế văn hóa được xây dựng và phát triển rộng khắp.
Tuy nhiên, để tổ chức xây dựng, khai thác và phát huy giá trị di sản tỉnh Quảng Trị cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tiến hành đồng bộ nhóm giải pháp vừa xây dựng, trùng tu nâng cấp và khai thác mới phát huy hết giá trị của di sản. Công tác này phải tiến hành đồng thời với việc tăng cường quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý, có quản lý định hướng để tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị cần xác định rõ các sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó mở rộng quy mô, không gian trong việc thực hiện các chương trình tri ân, tưởng niệm mang tính nhân văn. Đó là các hoạt động đã trở thành thông lệ, đi vào tâm thức mỗi người, mang tính giáo dục truyền thống sâu sắc như lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn, các chương trình “Dòng sông hoa đỏ”, “Khúc tráng ca về một dòng sông”, “Tên các anh đã trở thành tên đất nước”…Trong đó, bến sông Thạch Hãn và Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Việc gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động bảo tồn di sản với việc khai thác, phát triển du lịch đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhằm khai thác tiềm năng từ di sản vào việc xây dựng thương hiệu và tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh, trong đó việc thiết kế các tour tuyến du lịch mới trên địa bàn tỉnh và liên tỉnh là hết sức quan trọng và cần thiết để tạo ra mạng lưới du lịch liên hoàn, hấp dẫn.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các tỉnh, thành phố như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, các sản phẩm dịch vụ và tạo hiệu ứng lan truyền trong quảng bá, xúc tiến du lịch về điểm đến của các địa phương tới thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế. Phối hợp quảng bá, cung cấp thông tin về thời gian và nội dung các lễ hội, các sự kiện văn hóa lớn giữa các địa phương nhằm tránh trùng lặp. Phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch chung dựa trên thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch di sản, du lịch biển đảo, du lịch khám phá, mạo hiểm...nhằm tạo ra sự liên kết bền chặt cùng phát triển.