Quảng Ninh: Xây dựng đời sống văn hóa giàu bản sắc dân tộc
16/12/2022 | 15:03Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU (ngày 9/3/2018) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững", các địa phương trong tỉnh đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp hiệu quả. Từ đó, hướng tới xây dựng con người Quảng Ninh năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU, TP Hạ Long tập trung tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về những mục tiêu, nội dung của Nghị quyết qua nhiều kênh: Phương tiện thông tin đại chúng; Cổng Thông tin điện tử; băng rôn, khẩu hiệu; thông qua hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên... Từ đó, nâng cao sự hiểu biết, nhận thức về hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống và tầm quan trọng của việc xây dựng con người Hạ Long văn minh, thân thiện.
Thành phố tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi gắn với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Thôn văn hóa”, "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị", “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, "Bộ Quy tắc ứng xử người Quảng Ninh", “Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”...
Để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thành phố đã xây dựng 1 nhà văn hóa trung tâm, 1 thư viện, nhà thi đấu thể thao; 19/33 xã, phường có nhà văn hóa và hội trường đa năng; 243 nhà văn hóa thôn, khu phố đều được trang bị cơ sở vật chất thiết yếu như thiết bị âm thanh, ánh sáng, bàn ghế… phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân, thông tin tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thành phố còn có 470 thiết chế văn hóa, thể thao như sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi… thuộc quản lý của các đơn vị, doanh nghiệp, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh trong công nhân, người lao động.
Xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) hiện có hơn 90% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Từ năm 2016, xã thành lập CLB hát Soọng Cô gồm 23 thành viên. CLB có 4 Nghệ nhân dân gian Việt Nam tích cực truyền dạy cho thế hệ sau những làn điệu, câu hát mang đậm bản sắc dân tộc. Năm 2020 UBND huyện Vân Đồn đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn giai đoạn 2020-2022” với nhiều mục tiêu, giải pháp để khai thác hiệu quả và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề án được triển khai với các nội dung: Khôi phục miếu thờ thành hoàng làng; bảo tồn nhà văn hóa dân tộc; bảo tồn trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực truyền thống; bảo tồn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống; bảo tồn các làn điệu Soọng Cô, trò chơi dân gian, ngữ văn dân gian và tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống, lễ cấp sắc, vũ điệu hành quang, dân ca, dân vũ và lễ hội Đại phan. Huyện xây dựng Trung tâm Văn hóa xã kết hợp với Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu tại xã Bình Dân, tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ năm 2021.
Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh, tỉnh tiếp tục mục tiêu xây dựng, quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình cụ thể. Song song với đó, xác định phát triển văn hóa phải đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh quan tâm xây dựng văn hóa trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội bằng việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật…