Quảng Ninh: Tăng sức hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch biển đảo mới
24/03/2023 | 09:20Tỉnh Quảng Ninh sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, đảo với trên 6.000km2 mặt biển, trên 250km đường bờ biển, hơn 2.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Theo thống kê của Sở Du lịch, trong tổng số du khách du lịch đến Quảng Ninh hàng năm, trung bình có khoảng 70% du khách tham gia các tour tuyến biển đảo. Điều đó cho thấy du lịch biển đảo đang chiếm ưu thế để trở thành ngành kinh tế biển nhiều tiềm năng. Để khai thác tối đa thế mạnh này và hiện thực hóa mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách năm 2023, tỉnh sẽ triển khai các sản phẩm du lịch biển đảo mới đặc thù, tạo lực đẩy mạnh mẽ cho mùa du lịch hè cao điểm trong năm.
Thêm nhiều trải nghiệm mới
Mùa du lịch cao điểm năm nay, tỉnh phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 40 sản phẩm du lịch mới, 4 khách sạn, khu nghỉ dưỡng để đáp ứng yêu cầu du lịch, trải nghiệm của du khách. Trong đó có 1/3 là các sản phẩm du lịch biển đảo, với nhiều hoạt động hấp dẫn, như dịch vụ ăn uống trên tàu tham quan, nghe nhạc, thể thao trên biển, cắm trại...
Điển hình như tại TP Hạ Long, ngay trong tháng 4, thành phố sẽ phát triển Phố đêm du thuyền với các dịch vụ ăn uống trên tàu du lịch tại bến thủy nội địa thuộc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Sản phẩm du lịch này hoạt động từ 17 giờ đến 23 giờ hằng ngày.
Không giống như tàu chở khách tham quan trong ngày, 30 tàu đẳng cấp 4-5 sao của chương trình sẽ đưa du khách trên hải trình khám phá thành phố biển Hạ Long về đêm, kết hợp với dịch vụ ăn uống và các chương trình âm nhạc trên Vịnh Hạ Long để gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Bên cạnh đó, hoạt động thể thao thuyền buồm trên Vịnh Hạ Long dự kiến là một trong những điểm nhấn ấn tượng, mang đến những trải nghiệm mới lạ và độc đáo cho du khách. Thuyền sẽ hoạt động từ khu vực bãi tắm đảo Tuần Châu đến bãi tắm Công viên Đại Dương với diện tích mặt nước khoảng 750ha. Theo đó, đơn vị tổ chức cung cấp bến neo đậu và khu vực hoạt động thuyền buồm cho các thành viên; đào tạo, huấn luyện thể thao thuyền buồm; tổ chức sự kiện thể thao, diễu hành quảng bá du lịch và tạo điểm nhấn cho các sự kiện quan trọng của tỉnh.
Đến tháng 8, thành phố tiếp tục đưa điểm check-in Vịnh Hạ Long gắn với biểu tượng Di sản tại cầu vọng cảnh hang Đầu Gỗ vào hoạt động; tháng 10 là khu trưng bày giới thiệu giá trị địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học tại hang Đầu Gỗ. Tại đây, sẽ trưng bày các tư liệu về giá trị địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long qua hệ thống bảng biển, tranh ảnh, clip, hiện vật giới thiệu; bố trí thuyết minh viên tại điểm giới thiệu, qua đó tuyên truyền quảng bá sâu rộng giá trị địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Song song với sự chuyển động rất mạnh mẽ của Hạ Long, để thu hút du khách, các địa phương có du lịch biển đảo phát triển như Cô Tô, Vân Đồn cũng đưa vào nhiều sản phẩm mới ấn tượng. Huyện Cô Tô, thông qua khai thác hiệu quả tiềm năng các hòn đảo gần bờ, địa phương đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp giải trí, trải nghiệm, thể thao biển; thí điểm phát triển một số mô hình kinh tế ban đêm; xây dựng tuyến phố đi bộ với không gian vui chơi, thưởng thức ẩm thực, nhằm góp phần tăng tính cạnh tranh với các khu du lịch biển đảo có tính chất tương đồng. Ngay trong tháng 3 và tháng 4, Cô Tô sẽ đưa sản phẩm du lịch lặn biển và cắm trại du lịch vào hoạt động, đến quý II sẽ mở các tour tham quan đảo gần bờ.
Huyện Vân Đồn sẽ mở 2 tuyến phố đi bộ để phát huy tối đa tiềm năng của khu du lịch cấp tỉnh Quan Lạn - Minh Châu; tổ chức tham quan hệ sinh thái rừng, trải nghiệm chèo thuyền kayak, thuyền nan, lặn biển, thám hiểm hang động tại khu vực Cái Đé, ngủ đêm trên Vịnh tại khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Đặc biệt, với lợi thế cảnh quan thiên nhiên của Vịnh Bái Tử Long và hạ tầng giao thông thuận lợi, tỉnh đã xây dựng 2 tuyến tham quan xuất phát từ Cảng tàu cao cấp Ao Tiên: Tuyến 1 Cảng Ao Tiên - Hang Phất Cờ - Nuôi trồng trai ngọc (hòn Đá Đen) - Hòn Quạ - Cống Lão Vọng - Hòn Đũa - Đảo Minh Châu - Cảng Ao Tiên có tổng hành trình 53km; tuyến 2 Cảng Ao Tiên - Đảo Tây Hoi - Hòn Mèo Lười - Bản Sen - Hang Nhà Trò - Cảng Ao Tiên có tổng hành trình 30km. Như vậy, du khách từ Sân bay quốc tế Vân Đồn chỉ cần di chuyển cung đường ngắn về Cảng tàu cao cấp Ao Tiên có thể trải nghiệm dịch vụ du lịch biển mới này thay vì phải đi một chặng đường dài hàng chục km tới Vịnh Hạ Long.
Không ngừng nâng chất dịch vụ
Theo Đề án "Tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô", tỉnh sẽ kéo giãn du lịch biển đảo về phía Đông, giảm áp lực ở Vịnh Hạ Long. Cụ thể, sẽ tập trung nâng cấp đội tàu đạt chuẩn quốc tế trên cơ sở không gây quá tải cho Vịnh Hạ Long; kéo giãn về phía Vịnh Bái Tử Long và vùng biển Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái theo nguyên tắc phát triển hài hòa, bền vững, hiệu quả, bảo đảm môi trường sinh thái, quản lý bền vững ngay từ đầu và bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển đảo.
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết: Các sản phẩm du lịch biển đảo, Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô phải dựa trên nguyên tắc kết hợp với thiên nhiên, văn hóa, con người và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để hình thành nên chuỗi các sản phẩm có chất lượng du lịch cao, có khả năng cạnh tranh, hướng tới đáp ứng các thị trường du lịch cao cấp, có khả năng chi trả cao, phù hợp với nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế, nhằm kéo dài thời gian lưu trú tăng sức hấp dẫn, hạn chế ảnh hưởng bởi mùa vụ du lịch. Hiệp hội đề nghị tỉnh sớm xem xét cho mở 2 tuyến tham quan trên Vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, tiếp tục cho khảo sát tuyến du lịch từ Cảng Vũng Đục (TP Cẩm Phả) đi tham quan một số điểm du lịch trên Vịnh Bái Tử Long kết nối với Vân Đồn. Trong lúc đội tàu du lịch tại Vân Đồn chưa kịp phát triển, đề nghị tỉnh cho phép các tàu du lịch tại Hạ Long và Vũng Đục (Cẩm Phả) được đón khách du lịch, được neo đậu, nghỉ đêm và hoạt động một số sản phẩm du lịch, như chèo đò, chèo thuyền Kayak tại khu vực Vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn).
Để quảng bá đến du khách sản phẩm du lịch biển đảo mới, các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng sản phẩm và quảng bá, xúc tiến nhằm thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Ở TP Hạ Long, bên cạnh các hoạt động kích cầu du lịch mang đặc trưng, sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, quảng bá du lịch bằng việc phối hợp với Sở Du lịch, các đơn vị lữ hành tổ chức các hoạt động khảo sát, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch để thu hút du khách đến với Hạ Long. Tuyên truyền du lịch Hạ Long trên hệ thống thông tin truyền thông của tỉnh, của thành phố và mạng xã hội. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về du lịch đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn; tổ chức rà soát, đánh giá lực lượng lao động, phối hợp tổ chức đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng lao động du lịch, bổ sung lực lượng còn thiếu hụt để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ du khách.
Huyện Vân Đồn đặt mục tiêu thu hút khách du lịch đạt gần 1,4 triệu lượt, doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng. Huyện sẽ tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn để nắm bắt tâm tư, kiến nghị; giải đáp các kiến nghị và thống nhất, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, những vấn đề nổi cộm mà tổ chức, cá nhân quan tâm, từ đó có giải pháp cụ thể để phát triển các sản phẩm du lịch mới. Huyện sẽ phối hợp với Sở Du lịch, các đơn vị lữ hành để quảng bá, xúc tiến du lịch dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh, chia sẻ: Mùa cao điểm du lịch sắp tới, Sở yêu cầu các địa phương cần tiếp tục xây dựng kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, sẵn sàng các điều kiện tốt nhất về môi trường kinh doanh du lịch, sản phẩm, chất lượng dịch vụ đón khách. Trong đó, chú trọng nâng chất các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, phong phú, đảm bảo ANTT, an toàn vệ sinh thực phẩm... nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Việc đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động là một trong những giải pháp lâu dài, không chỉ thu hút du khách đến Quảng Ninh, mà còn khuyến khích du khách chi tiêu và quay trở lại nhiều hơn. Riêng 2 tuyến trên Vịnh Bái Tử Long, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị, sở, ngành liên quan đảm bảo các điều kiện về tuyến đường thủy nội địa, cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện quản lý theo quy định hiện hành.
Với những tài nguyên, lợi thế về bãi biển, vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, môi trường sinh thái trong lành, các địa phương, đơn vị đang tập trung mọi nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, qua đó thúc đẩy phát triển ngành du lịch địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung.