Quảng Ninh: Sức hút và thách thức từ những sản phẩm du lịch mới
15/08/2023 | 08:21Năm nay, Quảng Ninh đưa ra danh mục 38 sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn tạo ra những điểm nhấn thú vị cho diện mạo du lịch địa phương giai đoạn hồi phục hậu Covid-19. Cho đến nay, đã có 21 sản phẩm du lịch được đưa vào phục vụ du khách. Bên cạnh việc đảm bảo theo tiến độ khai thác thì việc đánh giá về hiệu quả sản phẩm trong thực tế thiết nghĩ cũng rất cần thiết.
Khởi sắc mới, điểm nhấn mới
Điểm qua việc triển khai cho thấy, nhiều địa phương từ những sản phẩm có sẵn, được nâng cấp lên hoặc có sự vào cuộc chuẩn bị sớm của doanh nghiệp, đủ cơ sở hiện thực hóa đã có sự thành công nhất định. Có thể kể tới như Móng Cái, Cô Tô, Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà…
Nhiều sản phẩm đã có sức hút rõ nét với du khách, tạo diện mạo mới lạ cho du lịch Quảng Ninh. Đơn cử như sản phẩm nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long được triển khai tại khu vực Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, trên tàu nhà hàng Sea Octopus, du thuyền Ambassador, Delight, thu hút hàng trăm du khách mỗi show ca nhạc. Nhiều du khách đã kết hợp đi du lịch Hạ Long và đặt lịch tham gia các show này, thậm chí không ít du khách trẻ ở xa “săn” show chỉ để được trải nghiệm dịch vụ và xem các ca sĩ mình yêu thích trình diễn.
Còn ở Cô Tô là 3 sản phẩm mới Lặn biển ngắm san hô, bãi cắm trại du lịch và tham quan các đảo gần bờ đi vào khai thác, phục vụ du khách từ đầu mùa hè năm nay, đã cho thấy độ hot đáng kể của đảo ngọc tiền tiêu. Đặc biệt là sản phẩm Lặn biển ngắm san hô tại đảo Thanh Lân, không chỉ hút khách bởi sự độc đáo của dịch vụ ở khu vực biển phía Bắc mà doanh nghiệp khai thác tour này đã có sự đầu tư khá chuyên nghiệp, từ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, khâu chăm sóc khách hàng, sản phẩm trải nghiệm… để lại ấn tượng mạnh mẽ cho du khách.
Ở các địa phương như Đông Triều với sản phẩm trải nghiệm tại Quảng Ninh Gate, Quảng Yên với các tour Cốc cốc đảo Hà Nam, Dấu ấn Bạch Đằng, Phố ẩm thực và điểm check-in “Phố đêm Bến Ngự Quảng Yên” vốn đã có nền tảng và độ hút khách từ trước, sau dịch được nâng cấp, mở rộng đã nhanh chóng sôi động trở lại. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư tạo sản phẩm điểm nhấn ở khu vực miền Đông của tỉnh cũng rất đáng chú ý, như: Khu dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng Đầu Rồng tại đảo Cái Chiên (Hải Hà), Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đảo Đá Dựng (Đầm Hà), Nông trại Nhật Vượng tại xã Hải Xuân (TP Móng Cái)…
Khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Qua thực tế cho thấy, cùng với những sản phẩm mới được du khách đánh giá cao thì chất lượng, hiệu quả không ít sản phẩm cũng cần được xem xét. Ở TP Hạ Long có thể kể tới sản phẩm “Phố đêm du thuyền”, độ hút khách chỉ rơi vào số ít du thuyền đầu tư cao cấp và có những sản phẩm đi kèm như ca nhạc đã kể trên, sau thời gian thí điểm triển khai đã cho thấy khó có thể duy trì ở diện rộng. Hay như Phố đi bộ Bài Thơ mới chỉ giống như “phố ăn vặt”, chưa tạo được nét riêng cũng như có sự vào cuộc của chính những hộ dân sinh sống tại đây.
Sản phẩm biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh của Sở VH-TT, sau nhiều lần điều chỉnh, hiện nay rất thưa vắng khách. Ở một số địa phương khác cũng có những sản phẩm mới dừng ở việc triển khai bước đầu hoặc theo kiểu xây dựng “cho có”. Thiết nghĩ, việc đầu tư các sản phẩm của địa phương hay doanh nghiệp đều cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, để không chỉ đảm bảo sức hấp dẫn tự nhiên với du khách, mà cần có sự liên doanh, liên kết đảm bảo về “đầu ra”, như vậy mới tránh được sự lãng phí về nguồn lực.
Bên cạnh đó thì nhiều sản phẩm rơi vào nguy cơ khó, không thể thực hiện theo tiến độ, vì vướng các cơ chế, chính sách hiện hành, có địa phương đã đề xuất đưa ra khỏi danh sách các sản phẩm dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay. Cụ thể, ở Hạ Long là sản phẩm trải nghiệm leo núi Bài Thơ và Phố đêm du thuyền; ở Vân Đồn là 3 sản phẩm trải nghiệm trong phạm vi Vườn quốc gia Bái Tử Long; ở Uông Bí là sản phẩm trải nghiệm đồi Phượng Hoàng. Trong số này, ngoài sản phẩm Phố đêm du thuyền “chết yểu” như đã phân tích ở trên thì những sản phẩm còn lại đều hứa hẹn sức hút đáng kể với du khách.
Sản phẩm trải nghiệm leo núi Bài Thơ gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể di tích - danh thắng núi Bài Thơ. Từ đỉnh núi Bài Thơ cũng là không gian tuyệt vời để chiêm ngưỡng Vịnh Hạ Long và TP Hạ Long từ trên cao. Việc leo núi khám phá các giá trị danh thắng núi Bài Thơ được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích, vậy nên vô cùng tiếc nuối khi nơi này bị đóng cửa 6 năm nay. Khi sản phẩm này dự kiến được đầu tư khai thác trở lại, nhiều du khách, các doanh nghiệp lữ hành đều phấn khởi, mong chờ. Chính vì vậy, việc tìm hướng tháo gỡ vướng mắc liên quan tới sự phân cấp đầu tư và những vấn đề khác tại di tích này thiết nghĩ là rất cần thiết.
Ở Uông Bí có 2 sản phẩm trải nghiệm mới tại đỉnh Bình Hương và đồi Phượng Hoàng dự kiến đưa vào khai thác cuối năm nay, cũng là thời điểm “mùa cỏ cháy” đẹp hoang sơ, mê hoặc nhất của những ngọn núi này. Tuy nhiên, khu vực đồi Phượng Hoàng lại nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ, vì vậy để có thể công nhận là điểm du lịch, từ đó có cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư, hiện địa phương đang làm hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch khu vực đất rừng tại đây. Do vướng mắc này, tiến độ của sản phẩm trải nghiệm hiện chưa thể xác định.
Đối với 3 sản phẩm trải nghiệm tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, nơi chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao tạo nên những cảnh quan đẹp và hoang sơ, giàu tiềm năng cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái theo hướng trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, việc xúc tiến xây dựng 3 sản phẩm du lịch trải nghiệm tại đây cho đến nay đang phải tạm dừng, chưa đủ cơ sở để triển khai thực hiện liên quan tới việc giao đất, giao rừng và vướng các quy định của Luật Lâm nghiệp.
Hiện nay, xu hướng phát triển du lịch thế giới gắn với sự thay đổi về nhu cầu của du khách ngày càng đề cao các loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm, vừa góp phần nâng cao sinh kế cộng đồng, vừa gia tăng ý thức trong bảo vệ môi trường thiên nhiên. Việc phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm tại khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long còn góp phần giảm áp lực lên di sản Vịnh Hạ Long kề cận. Chính vì thế, việc tìm cách tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách để mở đường cho du lịch phát triển ở Vườn quốc gia Bái Tử Long thiết nghĩ rất cần được quan tâm xem xét một cách thấu đáo.