Quảng Ninh: Sôi nổi hoạt động xây dựng môi trường văn hóa
04/01/2024 | 09:30Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và người dân trong toàn tỉnh đã sôi nổi thực hiện các phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa, lan tỏa truyền thống sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Các sở, ngành tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa. Với tinh thần tiên phong, gương mẫu, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh triển khai và thực hiện phong trào “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.
LĐLĐ tỉnh tích cực hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, giám đốc doanh nghiệp triển khai thực hiện phong trào; tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp với cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cùng cấp tổ chức kiểm tra, thẩm định, tổng hợp danh sách, tờ trình đề nghị công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 85% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; 125.236 CNVCLĐ ký cam kết thực hiện nội dung tự quản cá nhân, không vi phạm pháp luật, tích cực phòng chống tội phạm, ma túy, buôn bán người và HIV/AIDS…
Về phía địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới gắn với các mô hình hay, cách làm thiết thực, hiệu quả như: Giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp, thực hiện các quy định về trật tự đô thị, giải quyết tốt các vấn đề xã hội như dịch bệnh, tai nạn giao thông, xây dựng các tuyến phố điểm về ATGT, vệ sinh môi trường tại các đoạn đường tự quản; thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”…
Các tổ dân, khu phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ các phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, nhân rộng mô hình “Chống rác thải nhựa”, “Làm sạch bờ biển”… Đặc biệt, MTTQ các cấp, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì, triển khai có hiệu quả các hoạt động phối hợp xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT, triển khai hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", “Toàn dân tham gia PCCC”; duy trì các mô hình do MTTQ và các đoàn thể phối hợp triển khai như: “Khu dân cư phòng chống ma tuý, tội phạm”, “Hòm thư tố giác”, “Cụm liên kết an toàn về ANTT”, “Tổ liên gia, tổ ngũ gia đoàn kết"… Hiện toàn tỉnh có 57 mô hình An ninh cơ sở.
Các tổ chức chính trị - xã hội cũng tổ chức các mô hình, sân chơi phù hợp với hội viên mình quản lý, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn.
Đặc biệt, việc thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật được các cấp, ngành, địa phương tăng cường. Phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Tiệc cưới được tổ chức theo điều kiện kinh tế của các gia đình, hôn lễ được tổ chức trang trọng, văn minh lịch sự và phù hợp với truyền thống dân tộc, không có tình trạng say xỉn, gây rối mất ANTT. Các đám tang được thực hiện theo nếp sống mới đã giảm thiểu những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các phong tục, tập quán tốt đẹp được phát huy…
Việc thực hiện hương ước, quy ước đã được UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên. Qua đó đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành liên quan hướng dẫn và quản lý tốt về quy trình, thủ tục, chất lượng quy ước, hương ước phù hợp với tinh thần bảo vệ quyền con người, góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị KT-XH của tỉnh.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị, người dân trong xây dựng môi trường văn hóa, tỉnh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Ở cấp tỉnh đã đầu tư một số công trình thiết chế văn hóa thể thao trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia như Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Khu liên hợp thể thao Quảng Ninh, Cung Quy hoạch Hội chợ và Triển lãm… 13/13 địa phương đã thành lập Trung tâm TT-VH; 12/13 địa phương được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa - Thể thao. 103/177 xã, phường, thị trấn đã thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 71/177 xã, phường, thị trấn và 1.449/1.452 thôn, khu phố trong toàn tỉnh có nhà văn hóa, trong đó 976/1.452 thôn, khu phố có nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn. Các thiết chế văn hóa, thể thao đều phát huy tốt giá trị sử dụng, mang lại giá trị to lớn về tinh thần cho người dân.
Qua xây dựng môi trường văn hóa, năm 2023, toàn tỉnh có 351.816/355.805 gia đình đăng ký thi đua đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; trong 1.542 khu dân cư đăng ký thi đua đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa” có 96% đạt danh hiệu này. Toàn tỉnh còn có 4/6 thị xã, thành phố đăng ký đạt danh hiệu “Thành phố, thị xã đạt chuẩn đô thị văn minh".