Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Phụ nữ tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

20/08/2021 | 10:05

Quảng Ninh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống với đa dạng nền văn hóa. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc, đặc trưng riêng và ngày càng được phát huy. Để có kết quả đó, phụ nữ có nhiều đóng góp quan trọng trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Về xã Bằng Cả (TP Hạ Long) chắc hẳn mọi người cảm nhận rõ miền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số. Nơi đây vẫn còn bảo tồn được nhiều phong tục, tập quán mang đậm văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Y, từ lời nói, tiếng hát, điệu nhảy... cho đến cách thêu thùa, may vá... Lưu truyền được những nét văn hóa đó có công lao to lớn của các nghệ nhân, những người vẫn ngày đêm miệt mài truyền dạy các giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ sau.

Nghệ nhân dân gian Trương Thị Quý (thôn 2, xã Bằng Cả), vì đam mê nên đã cất công sưu tầm và học hỏi từ người già những làn điệu hát cổ truyền, kỹ thuật thêu đặc sắc ít được lưu truyền của người Dao. Đến nay, bà lưu giữ hàng trăm làn điệu hát giao duyên, cũng như nắm vững kỹ thuật thêu thổ cẩm bền, đẹp.

Nghệ nhân dân gian Trương Thị Quý, cho biết: Dân tộc Dao có nhiều nét văn hóa đặc sắc cần lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Thế nhưng, muốn các con, các cháu nắm được thì chúng ta phải tích cực truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, để những nét đẹp này được lưu giữ và phát huy.

Tâm niệm như vậy nên bà Quý luôn tích cực tham gia giảng dạy tại các lớp học thêu, học hát cho các em nhỏ do xã tổ chức. Bà cũng tổ chức thêu thổ cẩm truyền thống, hát giao duyên giao lưu với người dân, du khách tại Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y.

Quảng Ninh: Phụ nữ tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Phụ nữ thôn Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu tham gia buổi sinh hoạt thường lệ của CLB Thêu thổ cẩm.

Không riêng bà Quý, nhiều phụ nữ ở các bản làng vùng cao, vùng dân tộc thiểu số cũng đã và đang trực tiếp tham gia vào những hoạt động giữ gìn, phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Đáng chú ý như ở Bình Liêu, những năm qua phụ nữ đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của nhiều CLB Thêu thổ cẩm, cũng như CLB Văn nghệ, phát triển, giữ gìn các làn điệu dân tộc như hát then, đàn tính của dân tộc Tày, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ.

CLB Thêu thổ cẩm (thôn Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu) là một trong những CLB ra đời sớm nhất của phụ nữ ở Bình Liêu. Cứ vào dịp rảnh rỗi, chị em lại rủ nhau ra nhà văn hóa thôn để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thêu các trang phục truyền thống của dân tộc. Người thêu gấu quần, người thêu tay áo, các sản phẩm sau khi hoàn thiện đều được đưa lên giới thiệu, nhận xét và rút kinh nghiệm ngay trong buổi sinh hoạt. Bởi vậy, tham gia sinh hoạt CLB này là cách hữu hiệu để học nghề thêu của dân tộc, cũng như nâng cao tay nghề cho bản thân.

Chị Dường Tài Múi (thôn Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu), chia sẻ: Từ nhỏ, chúng tôi đã được bà, mẹ dạy cho thêu thùa, may vá. Nhưng cũng chỉ biết những cái cơ bản. Khi tham gia vào CLB, chúng tôi đã học thêm được cách thêu sao cho đẹp, cho khéo để may quần áo cho mình.

Quảng Ninh: Phụ nữ tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Phụ nữ, trẻ em gái thôn Cầu Sắt, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu chia sẻ cách thêu trang phục dân tộc.

Chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò chủ lực của phụ nữ trong việc tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc. Tùy vào điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, các cấp hội phụ nữ đã có những cách làm hiệu quả để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu, tự hào và tích cực tham gia công tác giữ gìn, bảo tồn các giá trị trong kho tàng văn hóa của dân tộc. Các cấp hội phụ nữ cũng quan tâm nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng ở các lĩnh vực, như: Nghề truyền thống, ẩm thực dân gian… tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia.

Bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, mỗi hội viên, phụ nữ đã và đang trở thành nhân tố tích cực giữ gìn, tiếp nối các giá trị văn hóa của dân tộc. Qua đó, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa Quảng Ninh, Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Cổng TTĐT Quảng Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×