Quảng Ninh: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
31/10/2022 | 10:02Sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, đặc sắc, đa dạng cả trên biển và đất liền, Quảng Ninh đã tận dụng, phát huy tốt những thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nỗ lực để trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.
Tại lễ khai mạc Đại hội đồng Diễn đàn du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 vừa diễn ra tại TP Hạ Long, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn khẳng định: 10 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã tập trung nỗ lực triển khai và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, mọi lĩnh vực, trở thành một cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc Việt Nam. Trong hành trình đó, du lịch dịch vụ đã có bước phát triển ngoạn mục, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản.
Minh chứng là lượng khách du lịch đến Quảng Ninh mỗi năm lại tăng hơn năm trước, kéo theo nguồn thu từ lĩnh vực này cũng hết sức ấn tượng. Giai đoạn 2016-2020, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 53 triệu lượt; tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt trên 100.000 tỷ đồng. Hoạt động du lịch đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 39,3% (năm 2015) lên 41,2% (năm 2020).
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã định hình rõ nét 4 trung tâm du lịch, với 1 khu du lịch quốc gia, 5 khu du lịch cấp tỉnh, 91 điểm du lịch đã được công nhận. Tỉnh cũng tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch thương mại biên giới và du lịch sinh thái cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 cơ sở lưu trú du lịch trên bờ và tàu lưu trú, với tổng số khoảng 36.000 phòng nghỉ, đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, tiêu dùng của khách du lịch trong những ngày lưu trú tại đây.
Không chỉ là nơi nghỉ dưỡng hoàn hảo, Quảng Ninh còn được phát triển theo định hướng trở thành trung tâm vui chơi, giải trí quy mô bậc nhất, thu hút sự đầu tư của các "ông lớn" với những điểm đến hút khách như: Tổ hợp vui chơi, giải trí Sunworld Hạ Long Complex, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Yoko Onsen Quang Hanh...
Để khai thác một cách triệt để những tiềm năng sẵn có, tạo sản phẩm du lịch mới, Quảng Ninh đã rất chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo chuỗi liên kết đường bộ - đường không - đường thủy hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế như: Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả... Với hệ thống cao tốc vừa hoàn thiện, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn khoảng 3 giờ đồng hồ, đây cũng là điều kiện để mở rộng không gian du lịch, không chỉ tập trung ở Hạ Long như trước kia.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, nhấn mạnh: Phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của du lịch Quảng Ninh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập, là tiền đề quan trọng trong định hướng trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Hiện tại, Quảng Ninh đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, tổng lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng do đặc thù địa hình, khí hậu, khách du lịch đến Quảng Ninh hiện mới chỉ tập trung vào mùa hè, rải rác vào mùa đông với khách du lịch nước ngoài. Để tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh, tỉnh đang tập trung phát triển không gian du lịch, đổi mới về chất lượng, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Nhiều chính sách hỗ trợ quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch đem lại hiệu quả thiết thực; mở rộng liên doanh, liên kết vùng với các đối tác trong và ngoài nước; hướng đến xây dựng điểm đến 4 mùa; phát triển kinh tế đêm.