Quảng Ngãi: Đầu tư tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch
26/08/2022 | 13:22Quảng Ngãi là địa phương có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, với hơn 250 di tích được kiểm kê, lập hồ sơ với nhiều loại hình khác nhau. Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, tỉnh đã chú trọng bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tỉnh cũng tích cực thực hiện xã hội hóa nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh di tích lịch sử cấp tỉnh Đình La Hà ở tổ dân phố 4, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), ông Nguyễn Văn Phúc trong Ban quản lý Đình cho biết: Đình La Hà có tuổi đời hơn 200 năm và là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử. Trải qua nhiều thăng trầm, đình làng này vẫn còn nét cổ kính, linh thiêng, hiện còn lưu giữ 16 sắc phong thời nhà Nguyễn. Theo tài liệu ghi chép, những năm đầu thế kỷ XVIII, những vị tiền hiền là những cư dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh đến đây sinh cơ lập nghiệp. Đây cũng là khoảng thời gian mà người Việt ở Bắc Bộ di cư vào vùng đất Thuận Quảng khai hoang, mở cõi, hình thành làng, xã ở vùng đất Quảng Ngãi ngày nay, trong đó có làng La Hà. Tháng 8.2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cho ngôi đình.
"Những dịp lễ lớn của làng đều được tổ chức tại đình, thu hút đông đảo nhân dân trong làng, các xã lân cận tham gia. Đặc biệt, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, Đình La Hà đều tổ chức lễ cúng để tỏ lòng thành kính, biết ơn các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con dân được hưởng bình an. Đình được người dân xem là "báu vật" của làng", ông Phúc chia sẻ.
Theo Phòng VHTT huyện Tư Nghĩa, qua thời gian, do bom đạn từ thời chiến tranh tàn phá, nên ngôi đình cũng xuống cấp ít nhiều, đặc biệt là các trụ, đà, kèo chống trên mái bị mục nát... Vì thế, một người con của quê hương Tư Nghĩa đã tự nguyện đóng góp 7 tỷ đồng để xây dựng, trùng tu lại Đình La Hà, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành.
Dự án Khu di tích Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 29 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đây là dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia gắn liền với tên tuổi và công đức của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán. Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán tọa lạc tại phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm1990.
Ông Võ Thành Trung – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết, hiện khu di tích Mộ cụ Bùi Tá Hán đang được triển khai thi công xây dựng (trừ tu bổ) công trình bao gồm: Điện thờ chính, nhà tả vu, hữu vu và các hạng mục phụ trợ… Đối với phần điện thờ chính của công trình đã thi công hoàn thành phần hậu điện (giang thờ), giang tiền điện đang triển khai hoàn thiện phần gỗ, dự kiến đầu tháng 9 sẽ lắp dựng. Nhà tả vu, hữu vu đã thi công hoàn thành phần thô, phần mãi nhà tả vu đã hoàn thành, nhà hữu vu đã lợp hơn 50%. Dự kiến, dự án sẽ thi công hoàn thành vào tháng 11.2022.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang triển khai thi công đường du lịch vào khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, trên địa bàn xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, với chiều dài 1.8 km, rộng 14m; đầu tư đồng bộ đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, bãi đậu xe. Tổng mức đầu tư của dự án 49,70 tỷ đồng. Các đơn vị hiện đang triển khai thi công xây dựng các hạng mục nền đường, thoát nước ngang, kè chắn, chân khay, mái taluy, bãi đỗ xe theo tiến độ được duyệt để hoàn thành dự án trong năm 2022.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nguyễn Tiến Dũng cho biết, ngành VHTTDL có 7 dự án lớn đang được triển khai. Đây là sự quan tâm đầu tư rất lớn của tỉnh nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng các hoạt động VHTTDL ở địa phương. "Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, thông qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ", ông Dũng cho biết thêm.
Theo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030 phân chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn năm 2022-2025, mục tiêu thực hiện bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học (bao gồm số hóa lý lịch di tích, bản đồ khoanh vùng, cắm mốc giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho 28-40 di tích đã được cấp xếp hạng, trung bình từ 7-10 di tích/năm.
Giai đoạn này cũng thực hiện đầu tư tôn tạo và chống xuống cấp cho 7 di tích Quốc gia và 46 di tích cấp tỉnh bị xuống cấp cần tôn tạo cấp thiết, tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học cho 46 di tích đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ, đăng ký hoặc xếp hạng.