Quảng Nam: Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống
07/11/2024 | 15:26Đó là một trong những mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030.
Theo đó, trong giai đoạn 2025 – 2027, Quảng Nam đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu 60% sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh được tiếp cận Bộ tiêu chí du lịch xanh; Hoàn thành Đề án Phát triển sản phẩm du lịch đêm và mời gọi đầu tư sản phẩm du lịch đêm tại thành phố Hội An; Phấn đấu mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh hình thành, đưa vào hoạt động và được công nhận ít nhất 01 khu/điểm du lịch mới; Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số…
Giai đoạn 2028 – 2030: Phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành điểm đến hàng đầu khu vực về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; tạo dựng thương hiệu về du lịch thể thao, mạo hiểm, giải trí, du lịch chăm sóc sức khỏe theo hướng xanh, bền vững; Phấn đấu tất cả các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh được tiếp cận Bộ tiêu chí du lịch xanh, trong đó, phấn đấu 30% sản phẩm du lịch đáp ứng theo Bộ tiêu chí du lịch xanh; Ít nhất 70% điểm du lịch được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số…
Nhằm biến các mục tiêu thành hiện thực, trong giai đoạn tới định hướng phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Quảng Nam tập trung theo 03 nhóm sản phẩm, đó là: Sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính, sản phẩm du lịch bổ trợ.
Nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch: Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An với thương hiệu "Một điểm đến xanh - 3 trải nghiệm đẳng cấp quốc tế" trên cơ sở khai thác thế mạnh về du lịch văn hoá tham quan di tích, du lịch nghiên cứu văn hóa kết hợp với du lịch trải nghiệm. Xây dựng và phát triển Hội An thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trở thành khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia phục vụ khách du lịch.
Nhóm sản phẩm du lịch chính, tập trung phát triển du lịch biển (nghỉ dưỡng, thể thao biển…), du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái.
Phát triển du lịch biển theo hướng đa dạng, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khách. Xây dựng các trung tâm hội thảo, hội nghị, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí và các khu nghỉ dưỡng, sân gôn cao cấp, các công trình thể thao chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế ven biển Điện Bàn - Hội An - Duy Xuyên - Thăng Bình - Tam Kỳ - Núi Thành. Phát triển các môn thể thao biển (dù lượn, lướt sóng, lướt ván buồm, lướt ván diều, ca nô kéo, mô tô nước, lặn biển...), tổ chức các sự kiện, giải thể thao biển tầm quốc gia, khu vực, quốc tế.
Phát triển mạnh thương hiệu các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển (Four Seasons Resort The Nam Hai, Khách sạn Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Khu resort và spa Marriott Hội An - Việt Nam, Khách sạn nghỉ dưỡng Tui Blue Nam Hội An...), đầu tư nâng cấp các hạng mục để đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế.
Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp tham quan, trải nghiệm bản sắc văn hóa cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn gắn với di sản, di tích, lễ hội, làng nghề. Cụ thể, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học: Bên cạnh việc tiếp tục phát huy các giá trị sinh thái biển - đảo (Cù Lao Chàm - Hội An, Tam Hải - Núi Thành), rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh - Hội An)... cần tập trung đầu tư phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Sông Thanh, Vùng Sâm Ngọc Linh, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, Khu bảo tồn Voọc Chà Vá chân xám (Núi Thành)..., khai thác hệ thống rừng, hồ thủy điện, các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn.
Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, tiếp tục duy trì, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn đã hình thành: Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhơ Rôồng (Đông Giang), Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), Làng du lịch cộng đồng Đại Bình (Nông Sơn), Làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, Làng dệt Zơra (Nam Giang), Làng văn hóa Cao Sơn, Làng Mường (Bắc Trà My), Làng du lịch cộng đồng Mô Chai (Nam Trà My), Làng văn hóa cộng đồng Ta Lang, Làng Pơ'ning (Tây Giang), Khu du lịch bảo tồn văn hóa Bh'noong (Phước Sơn), Khu căn cứ xã Phước Trà (Hiệp Đức); Làng du lịch cộng đồng Cửa Khe (Thăng Bình), Làng du lịch nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ), Làng du lịch cộng đồng xã đảo Tam Hải (Núi Thành); Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi, Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Bàn)...
Đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các khu vực có tiềm năng: mô hình du lịch sinh thái Hố Thác (Thăng Bình), mô hình du lịch cộng đồng xã Tam Lãnh (Phú Ninh), mô hình du lịch sinh thái tại rừng dừa nước Tịch Tây (Núi Thành), du lịch cộng đồng xã Tam Tiến (Núi Thành), mô hình du lịch nông thôn vùng Gò Nổi (Điện Bàn), mô hình du lịch trên tuyến sông Cổ Cò, sông Thu Bồn, du lịch sinh thái Sông Đầm, du lịch sinh thái Hương Trà (Tam Kỳ), Khe Tân, Sông Cùng, Khe Lim, Suối Mơ, Vườn Ổi Hồ Lộc. (Đại Lộc), Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Bàn Thạch (Quế Sơn), Làng du lịch dựa vào cộng đồng Đồng Râm (Nam Giang)…
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích, lễ hội, làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh: Lễ Rước Cộ Bà Chợ Được, Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển (Thăng Bình), Lễ hội Cầu ngư (các địa phương ven biển), Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ hội Bà Chiêm Sơn, Lễ hội ngũ xã Trà Kiệu (Duy Xuyên), Lễ hội Thanh Minh, Lễ hội Vua Hùng, Lễ hội mỳ Quảng Phú Chiêm (Điện Bàn)…; Làng gốm Thanh Hà, Làng mộc Kim Bồng, Làng rau Trà Quế, Làng đèn lồng Hội An, Làng yến Thanh Châu hoặc Nghề khai thác yến sào Thanh Châu (Hội An), Làng chiếu chẻ Triêm Tây, Làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn)…; Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình), Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chăm Pa (Duy Xuyên), Khu căn cứ Đặc Khu ủy Quảng Đà (Quế Sơn), Nhà thờ Ngũ Xã Trà Kiệu, Lăng mộ bà Đoàn Quý Phi, Nhà thờ Trà Kiệu (Duy Xuyên), Tháp Bằng An, Dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Bàn), Địa điểm Chiến thắng Thượng Đức, Địa đạo Phú An - Phú Xuân (Đại Lộc), Khu Tượng đài mẹ VNAH, Địa đạo Kỳ Anh, Văn Thánh - Khổng Miếu (Tam Kỳ)…
Nhóm sản phẩm bổ trợ, gồm: Du lịch thể thao mạo hiểm (leo núi, trekking, thám hiểm hang động, rừng núi, xe địa hình...); du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; Du lịch thực tế ảo, du lịch thông minh, MICE, mua sắm, du lịch đêm; Du lịch tàu biển, du lịch đường sông, caravan tại các khu vực có tiềm năng.